Vậy quy trình xử lý dụng cụ y tế được diễn ra như thế nào ? Hãy cùng Thiết bị phòng sạch VCR tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

 

1. Một số khái niệm cơ bản về khử khuẩn dụng cụ y tế bạn cần biết

  • Vô khuẩn: (hay còn gọi là vô trùng) là trạng thái không có virus, vi sinh vật, vi khuẩn hay các tác nhân gây bệnh (gọi chung là vi trùng). Đây là một biện pháp thường được sử dụng trong bệnh viện bởi bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế để bảo vệ bản thân và bệnh nhân khỏi nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sát khuẩn: là thực hiện việc tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của vi trùng cũng như các tác nhân gây bệnh khác ở da, niêm mạc hay các tế bào bị tổn thương của cơ thể. 
  • Khử nhiễm (Decontamination): là việc tiêu diệt đa số các vi trùng hay mầm bệnh bám vào thiết bị, dụng cụ y tế vừa được dùng trên cơ thể bệnh nhân.
  • Làm sạch (Cleaning): là quá trình cọ, rửa bằng nước, lau khô để loại bỏ các chất bẩn do bụi, đất, máu, chất dịch cơ thể, vi trùng, tác nhân có hại bám ở thiết bị, dụng cụ y tế. 
  • Khử khuẩn mức độ cao (High level disinfection): là việc tiêu diệt phần lớn các loại vi trùng và mầm bệnh khác nhưng chưa tiêu diệt hết tất cả, đặc biệt là nha bào. Trong hầu hết các thủ thuật, khử khuẩn mức độ cao là chấp nhận được.
  • Khử khuẩn mức độ trung bình (Intermediate-level disinfection): là quá trình khử được vi khuẩn sinh dưỡng, virus và nấm nhưng không tiêu diệt được nha bào.
  • Khử khuẩn mức độ thấp (Low-level disinfection): là việc tiêu diệt được các vi khuẩn, virus, nấm thông thường nhưng không tiêu diệt được nha bào.
  • Tiệt khuẩn (Sterilization): là một quá trình diệt tất cả các loại vi trùng cũng như mầm bệnh khác kể cả bào tử vi khuẩn.

2. Quy trình xử lý dụng cụ y tế trong bệnh viện

Quy trình khử khuẩn dụng cụ y tế trong bệnh viện được thực hiện dựa trên 6 bước sau đây:

2.1. Khử nhiễm dụng cụ y tế

  • Đây là bước đầu tiên trong xử lý dụng cụ và găng đã dùng trong các ngành y tế.
  • Các phương tiện: nước, chậu hoặc xô nhựa có quai xách với chiều cao trên 35cm và một giỏ nhựa thủng ở đáy. Quai nhỏ hơn để lọt vào xô, găng dài để riêng một vài đôi để khử trùng.
  • Dung dịch ngâm dụng cụ y tế để khử nhiễm: Cloramin B 0,5%, dung dịch Presept hoặc Glutaraldehyde 2%. Sau mỗi ngày làm việc, các loại dung dịch này sẽ được thay.
  • Tất cả dụng cụ, găng tay, đồ vải sau khi làm phẫu thuật phải cho ngay vào xô, chậu ngập hết trong dung dịch khử khuẩn và ngâm trong 10 phút (dụng cụ có thể bị hư hỏng nếu như ngâm lâu hơn). Sau đó đem ra rửa sạch.

2.2. Rửa sạch dụng cụ

Thiết bị: một chậu nhựa, vòi nước sạch, xà phòng, bàn chải, găng tay bảo vệ

Quy trình thực hiện:

  • Trong quá trình rửa, người rửa dụng cụ cần đeo kính, đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng và mặc tạp dề tránh lây nhiễm.
  • Dùng nước lã và xà phòng để rửa dụng cụ. Lấy bàn chải cọ sạch chất bẩn, lưu ý những nơi dễ bám bẩn như răng, khe, kẽ, khớp nối của dụng cụ. Sau đó rửa sạch xà phòng và dùng khăn sạch lau khô. Cọ rửa dưới vòi nước hiệu quả hơn trong xô, chậu.

Yêu cầu: máu, mủ, dịch, các mô tế bào bám vào dụng cụ như rau thai, mỡ, cơ… không còn dính trên dụng cụ.

2.3. Khử khuẩn mức độ cao

  • Phương pháp này có thể tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn, mầm bệnh và có thể chấp nhận được khi các phương tiện dành cho tiệt trùng không sẵn có.
  • Có hai cách: khử khuẩn bằng luộc dụng cụ và khử khuẩn bằng hoá chất.

2.3.1. Luộc dụng cụ

Thực hiện dễ dàng, an toàn và không đắt đỏ, nên sử dụng nồi chuyên dụng để nấu.

nồi luộc dụng cụ y tế
Nồi luộc dụng cụ y tế

Quy trình luộc: dụng cụ rửa sạch và tháo rời → đổ ngập nước sạch vào nồi đựng dụng cụ → khi nước sôi, duy trì trong 20 phút (trường hợp cho thêm dụng cụ khi nước đang sôi thì tính lại thời gian) → lấy dụng cụ đã nguội ra khỏi nồi và để trong hộp vô trùng có nắp bằng găng tay vô khuẩn hoặc kẹp đã khử trùng. Dụng cụ đã luộc không được để lâu, chỉ dùng trong 24 giờ.

2.3.2. Ngâm trong hóa chất

Cho dụng cụ vào dung dịch khử khuẩn Glutaraldehyde 2% hoặc Cloramin 0,5% (chỉ dùng Glutaraldehyde 2% đối với ống hút thai) trong 20 phút sau đó rửa lại bằng nước đun sôi để nguội.

ngâm dụng cụ trong hóa chất
Ngâm dụng cụ trong hóa chất

Các bước thực hiện:

Dụng cụ đã rửa sạch → dùng dung dịch khử khuẩn đổ ngập dụng cụ và ngâm 20 phút → rửa sạch lại với nước đun sôi để nguội, sau đó để khô và bỏ vào hộp có nắp đậy → Sử dụng ngay hoặc giữ trong hộp khử trùng trong 3 ngày.

Luộc hoặc ngâm hộp đựng dụng cụ khử khuẩn ở mức độ cao trong dung dịch Cloramin 0,5% trong 20 phút. Bên trong rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội và hong khô.

Lưu ý: Phương pháp này không áp dụng với các dụng cụ bằng kim loại, vải mà chỉ dành cho các loại bằng cao su, nhựa,...

2.4. Tiệt trùng dụng cụ y tế

Có 2 cách tiệt trùng dụng cụ y tế mà bạn cần biết là tiệt khuẩn bằng nhiệt và hoá chất.

2.4.1. Tiệt trùng dụng cụ y tế bằng nhiệt

Có 2 phương pháp

2.4.1.1. Hấp ướt áp lực cao
nồi hấp tiệt trùng dụng cụ y tế
Nồi hấp tiệt trùng dụng cụ y tế

Trừ đồ nhựa, phương pháp này áp dụng cho tất cả các loại dụng cụ y tế như quần áo, băng gạc, khăn mổ, mũ, khẩu trang... và đồ cao su như ống thông, găng cao su.... Nhiệt độ, áp suất,… khác nhau nên đồ vải và đồ cao su không được hấp chung.

Thiết bị: nồi hấp ướt áp lực các loại.

Quy trình: Xếp đồ vào hộp hoặc gói trong một khăn vải. Để hơi nước dưới áp lực cao thấm vào nền các hộp đựng đồ vải không được đóng kín, phải có lỗ thông hơi và phải được bịt kín lại sau khi lấy ra khỏi nồi hấp.

Yêu cầu: khi nhiệt độ lên tới 121 (áp suất 1,2 kg/cm2), phải duy trì nhiệt độ như thế trong 20 phút với dụng cụ không đóng gói và 30 phút đối với loại đóng gói.

2.4.1.2. Sấy khô

Chỉ dành riêng cho những dụng cụ y tế bằng kim loại. 

Thiết bị: tủ sấy khô

Quy trình: Dụng cụ kim loại sau khi rửa sạch lau khô cho vào hộp có nắp, phân theo từng bộ → đặt các hộp vào tủ sấy, cách thành tủ ít nhất 3cm, hộp ở mỗi tầng xếp lệch nhau để không khí nóng trong tủ sấy phân bố đồng đều → Đóng kín cửa tủ sấy.

Yêu cầu:

  • Nếu nhiệt độ 170 phải duy trì trong 60 phút.
  • Nếu nhiệt độ 160℃ phải duy trì trong 120 phút.

2.4.3. Tiệt trùng dụng cụ y tế bằng hóa chất

Phương pháp tiệt khuẩn này chỉ dùng dung dịch Glutaraldehyde 2% và không được dùng dung dịch cloramin 5%. Ngâm dụng cụ trong 10 giờ.

Chú ý: 

  • Mở các cửa sổ, đeo kính và găng tay bảo hộ.
  • Pha chế và sử dụng dung dịch ở nơi thoáng gió.
  • Dùng chậu có độ sâu, có nắp đậy và chuẩn bị 1 chậu có nắp đậy đựng nước vô khuẩn để tráng.
  • Lau khô dụng cụ, tháo rời các bộ phận.
  • Ngâm dụng cụ tối thiểu là 10 giờ vào dung dịch khử khuẩn.
  • Dùng kẹp vô khuẩn lấy dụng cụ
  • Đổ nước đã dùng. Đánh dấu ngày pha và ngày hết hạn đối với dung dịch cần dùng lại
  • Kiểm tra vô khuẩn

2.5. Kiểm tra dụng cụ đã được vô khuẩn

Bước thứ 5 trong quy trình vô khuẩn dụng cụ y tế mà chúng ta cần thực hiện là việc kiểm tra các dụng cụ đã vô khuẩn. Bạn cần phải thực hiện các việc sau trong giai đoạn này:

  • Trước khi hấp, sấy, dán giấy báo hiệu an toàn màu trắng vào hộp hoặc túi đồ, kiểm tra đúng thời gian quy định.
  • Ghi cụ thể ngày, tháng và tên người hấp sấy dụng cụ vào các hộp, túi đựng sau khi kiểm tra.
  • Sau khi đã hấp, sấy, giấy báo hiệu đổi màu tức là đã đạt yêu cầu

2.6. Xác định thời gian sử dụng cho phép

Một việc quan trọng trong quy trình khử khuẩn dụng cụ y tế mà chúng ta cần phải chú ý là bảo quản cũng như xác định thời gian sử dụng cho phép sau khi vô khuẩn. Ở phần này chúng ta cần chú ý một số yêu cầu như sau:

  • Không bảo quản những dụng cụ tiệt trùng không đóng gói (loại này cần phải dùng ngay sau khi tiệt trùng).
  • Dụng cụ đã khử khuẩn cao chỉ được sử dụng trong vòng 3 ngày. Riêng những dụng cụ luộc chỉ được phép dùng trong 24 giờ.
  • Những dụng cụ tiệt trùng đóng gói hoặc đặt trong hộp vô trùng, được bảo quản một tuần, phải hấp lại nếu như sau 1 tuần chưa sử dụng đến.
  • Sau 24 giờ phải đưa đi hấp, sấy lại với những hộp dụng cụ đã mở ra dùng mà dụng cụ bên trong chưa sử dụng hết.
  • Phải che đậy dụng cụ đã tiệt trùng, tránh nhiễm khuẩn khi vận chuyển từ nơi bảo quản đến phòng mổ,…

Xem thêm: https://vietnamcleanroom.com/vi/post/quy-trinh-kiem-soat-nhiem-khuan-1081.htm

3. Bảo quản dụng cụ đã vô trùng 

Một phần việc quan trọng không thể thiếu trong quy trình xử lý dụng cụ y tế là bảo quản các dụng cụ đã được khử khuẩn và vô trùng. Dưới đây là một số lưu ý bạn cần nắm:

  • Khu vực bảo quản dụng cụ đã vô trùng phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, cửa đóng kín.
  • Dụng cụ đã tiệt khuẩn và chưa tiệt khuẩn để 2 nơi riêng biệt.
  • Giá, kệ và tủ đựng dụng cụ y tế, sổ sách ghi chép tên dụng cụ, ngày xử lý vô trùng, ngày nhập, xuất dụng cụ và theo nguyên tắc nhập trước xuất trước (xử lý trước đưa ra sử dụng trước).

Hi vọng bài viết trên đây đã phần nào đó giúp bạn đọc giải đáp được những thắc mắc và có thêm những thông tin hữu ích về quy trình xử lý cũng như khử khuẩn dụng cụ y tế trong bệnh viện.

 

Phương.