Cùng tìm hiểu xem thế nào là tiêu chuẩn chất lượng, các lợi ích của việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng... qua bài viết này của VCR nhé.

Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn là gì?

Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

tieu-chuan-chat-luong-4

Tính chất của tiêu chuẩn chất lượng

Các tiêu chuẩn và quy định được thiết lập cho các sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình đều có tính chất tự nguyện. Các tiêu chuẩn này thường được xây dựng và ban hành bởi các tổ chức dưới dạng văn bản để tổ chức áp dụng trên cơ sở tự nguyện.

Mặc dù đây là một nguyên tắc tự nguyện, nhưng nếu một văn bản quy phạm pháp luật có hướng dẫn cụ thể, thì một số tiêu chuẩn nhất định phải được áp dụng toàn bộ hoặc một phần.

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được phân thành 5 loại:

  1. Tiêu chuẩn cơ bản quy định những đặc tính, yêu cầu áp dụng chung cho một phạm vi rộng hoặc chứa đựng các quy định chung cho một lĩnh vực cụ thể.
  2. Tiêu chuẩn thuật ngữ quy định tên gọi, định nghĩa đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
  3. Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
  4. Tiêu chuẩn phương pháp thử quy định phương pháp lấy mẫu, phương pháp đo, phương pháp xác định, phương pháp phân tích, phương pháp kiểm tra, phương pháp khảo nghiệm, phương pháp giám định các mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
  5. Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản quy định các yêu cầu về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm, hàng hoá.

Mục đích của tiêu chuẩn chất lượng

Mục đích chính của tiêu chuẩn khi được tạo ra là để doanh nghiệp có một cơ sở quy chuẩn để đánh giá và kiểm soát hoạt động kinh tế, xã hội. Khi các đối tượng được kiểm soát theo các hệ thống tiêu chuẩn có thể đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức, người tiêu dùng, xã hội và cả các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối tượng áp dụng

Tiêu chuẩn chất lượng có thể được áp dụng cho tất cả loại hình sản phẩm, dịch vụ, hệ thống… Mỗi sản phẩm, dịch vụ… với các đặc tính, tính chất khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn riêng được quy định trong hệ thống tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp, tổ chức cần cân nhắc đưa ra lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với các yếu tố như quy mô, lĩnh vực và mục đích của mình.

doi-tuong-ap-dung-tieu-chuan-chat-luong

Nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn

Các tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên một hoặc một số những nguyên tắc dưới đây:

  • Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài
  • Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật
  • Kinh nghiệm thực tiễn
  • Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định

Lợi ích của tiêu chuẩn chất lượng

Đối với doanh nghiệp

  • Giúp các nhà quản trị, lãnh đạo kiểm soát và vận hành tổ chức một cách hiệu quả và kịp thời
  • Có quy chuẩn cho các hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp, bao gồm các quy trình chuẩn chỉnh giúp củng cố hiệu quả sản xuất, quản lý nội bộ doanh nghiệp…
  • Đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ
  • Đáp ứng nhu cầu khách hàng, gia tăng lòng tin của khách hàng với thương hiệu
  • Khẳng định tên tuổi, tính uy tín của doanh nghiệp
  • Tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, loại bỏ rào cảo thương mại
  • Tuân thủ pháp luật, thể hiện trách nhiệm với xã hội và môi trường
  • Giảm bớt hoặc được miễn giảm thủ tục khi có chứng nhận chất lượng

Đối với khách hàng

  • Căn cứ để họ đánh giá và lựa chọn, đưa ra quyết định mua sắm phù hợp với mục đích và nhu cầu của bản thân
  • Sự an tâm khi sử dụng sản phẩm đã được kiểm chứng về chất lượng
  • Giảm thiểu các vấn đề như ô nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm… đối với người tiêu dùng và xã hội

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

loi-ich-cua-tieu-chuan-chat-luong
Tiêu chuẩn chất lượng giúp mở cửa thương mại quốc tế
  • Nguồn kiến thức và kinh nghiệm khi xây dựng các quy định cho cơ quan quản lý toàn cầu
  • Căn cứ đánh giá, thanh tra giám sát chất lượng sản phẩm…
  • Đưa ra các tiêu chuẩn làm cơ sở kỹ thuật trong hiệp định thương mại, mở cửa thương mại thế giới

Một số tiêu chuẩn phổ biến ở Việt Nam

Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN

Các TCVN do Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) và các bộ, ngành tổ chức xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn cơ sở - TCCS

Là tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường do người đứng đầu Cơ sở xây dựng và công bố để áp dụng trong các hoạt động của cơ sở

Tiêu chuẩn quốc tế ISO

được coi là 1 tiêu chuẩn chuẩn mực của thế giới. Nó cho phép so sánh sản phẩm, dịch vụ giữa nhiều thị trường khác nhau, trên cơ sở công bằng nó còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào một thị trường mới, hỗ trợ sự phát triển thương mại toàn cầu.

Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam - QCVN

là tiêu chuẩn bao gồm các quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, cộng đồng, môi trường.

Công bố tiêu chuẩn chất lượng

Khái niệm

Công bố tiêu chuẩn chất lượng là thủ tục bắt buộc trước khi đưa ra sản phẩm ra lưu hành trên thị trường của mỗi doanh nghiệp.

cong-bo-tieu-chuan-chat-luong

Lợi ích của công bố tiêu chuẩn chất lượng

Công bố tiêu chuẩn chất lượng không chỉ để khẳng định độ uy tín của doanh nghiệp thông qua chất lượng sản phẩm mà còn để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Nó cũng mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các hoạt động kinh doanh sản phẩm này của doanh nghiệp.

Thủ tục liên quan

Doanh nghiệp cần chuẩn bị các loại giấy tờ:

  • Bản sao có chứng nhận đăng ký kinh doanh
  • Bản sao Giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn sản phẩm
  • Bản sao Giấy chứng nhận lưu hành tự do sản phẩm tại nước sở tại
  • Bản sao giấy phân tích thành phần sản phẩm (Certificate Of Analysis - COA)
  • Nếu COA này do nhà sản xuất ký tên thì doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp mầu sản phẩm tiến hành kiểm nghiệm tại Việt Nam
  • Nếu COA này do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì phải tiến hành thủ tục hợp thức hóa lãnh sự
  • Bản sảo HACCP hoặc ISO của nhà máy sản xuất sản phẩm tại nước sở tại (nếu có)
  • Nhãn sản phẩm
  • Mẫu sản phẩm

cong-bo-tieu-chuan-chat-luong

Một số thủ tục quy định liên quan đến chất lượng sản phẩm

  1. Thủ tục tự công bố sản phẩm
  2. Thủ tục đăng ký bản công bố chất lượng sản phẩm
  3. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
  4. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
  5. Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu
  6. Ghi nhãn thực phẩm

PN