Cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 với những tác động và tiến bộ khoa học mạnh mẽ, là bài học kinh nghiệm quý báu cho các doanh nghiệp, tổ chức và các quốc gia trên thế giới.

5 bài học cho ngành dược phẩm sau khủng hoảng COVID-19

Những khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, những khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19: 78,6% doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhu cầu người sử dụng sản phẩm dược thay đổi; 57,1% khó khăn khi tiếp cận khách hàng mới, đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh, giá hàng hóa đầu vào tăng và 35,7% doanh nghiệp khó khăn với sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Nguồn nguyên liệu

Nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu hiện chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% nhu cầu ở Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung nguyên liệu dược phẩm lớn nhất, lần lượt chiếm 63,7% và 16,7% tỷ trọng nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu năm 2020. Dịch bệnh hầu như đã cắt đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu của ngành Dược trong 6 tháng đầu năm vì Trung Quốc và Ấn Độ - 2 công xưởng cung cấp nguyên liệu Dược lớn nhất thế giới bị gián đoạn với số người nhiễm Covid rất cao. Việc khan hiếm nguyên liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với chi phí vận chuyển, phân phối tăng cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 dẫn đến đẩy giá nguyên liệu tăng cao.

Kênh ETC

Thêm vào đó, Chính phủ yêu cầu kê khai thông tin người đến mua thuốc ho, hạ sốt, các sản phẩm khẩu trang và cồn sát khuẩn không được tăng giá cùng giãn cách toàn xã hội đã làm cho kênh OTC (kênh bán lẻ của các nhà thuốc, hiệu thuốc) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đối với kênh ETC (kênh đấu thầu trong bệnh viện), việc siết chặt để đảm bảo không có lây nhiễm trong bệnh viện kéo theo số bệnh nhân tới khám rất hạn chế, thậm chí một số nơi đã đóng cửa các khoa không cấp thiết nên kênh phân phối này hầu như bị khóa chặt.

Nhu cầu của người sử dụng

Nhu cầu của người sử dụng sản phẩm dược thay đổi, giảm lượng cầu ở các kênh bệnh viện, các sản phẩm thuốc chưa thiết yếu, tăng nhu cầu cho các sản phẩm phòng bệnh như khẩu trang, nước rửa tay, các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch. Sự thay đổi đã gây những khó khăn nhất định với các doanh nghiệp dược, bởi trên thực tế thị phần các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch thuộc về sản phẩm nước ngoài, số lượng doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất đã giảm từ hơn 4.190 doanh nghiệp xuống còn 300 doanh nghiệp sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP siết chặt tiêu chuẩn sản xuất HS-GMP cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng từ tháng 07/2019.

Trong khi đó, khẩu trang hay nước rửa tay đều không phải mặt hàng kinh doanh chính của các doanh nghiệp dược phẩm. Thị phần các sản phẩm này còn gặp sự cạnh tranh của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân, v.v. Khi tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế tiếp tục xảy ra tại phần lớn các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị phòng chống dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp hóa chất, dệt may chuyển hướng sản xuất sản phẩm phòng chống dịch, khiến thị trường này lại trở nên cạnh tranh gay gắt hơn.

Cơ hội của ngành dược phẩm trong thời kỳ Covid-19

Cơ hội của ngành dược phẩm

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, một tín hiệu đáng mừng là xã hội đã có cái nhìn tích cực về ngành y tế nói chung và ngành Dược Việt Nam nói riêng. Thuốc và trang thiết bị y tế của Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu rất nghiêm ngặt như Mỹ, Đức, Nhật, v.v.

Đại dịch Covid-19 tạo ra những khó khăn, thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội đáng kể, là dịp để doanh nghiệp nhìn lại mình, tái cấu trúc hoạt động, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa ngành Y học. Covid-19 dẫn đến sự phá hủy nhưng lại có cái mới sinh ra, “trong cái khó ló cái khôn”, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng, khai thác để biến nguy thành những cơ hội. Có những doanh nghiệp trước đây nửa năm chưa ra sản phẩm mới, nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã nhanh chóng đưa ra sản phẩm tăng cường sức đề kháng, sát khuẩn để chống dịch.

5 bài học cho ngành dược phẩm sau khủng hoảng Covid-19

ngành dược phẩm sau khủng hoảng COVID-19

Bài học thứ nhất

“Cuộc cách mạng trị liệu” là một trong những tiến bộ đạt được của ngành công nghiệp dược phẩm trong đại dịch, đặc biệt với công nghệ nano trong sản xuất vaccine mRNA COVID-19 -chất truyền tin di truyền mã DNA thành protein- đã được hai hãng dược phẩm Moderna và BioNTech phát triển thành công.

Giáo sư Pierre-Yves Geoffard thuộc trường Kinh Tế Paris nhận định: “Chúng ta đang ở ‘bình minh’ của một cuộc cách mạng khoa học”. Trước đây, các cuộc nghiên cứu, thử nghiệm thường được tiến hành trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, dưới sức ép của những làn sóng lây nhiễm mạnh mẽ cùng hàng tỷ USD hay euro đầu tư vào các phòng thí nghiệm, những kết quả khả quan đã nhanh chóng đạt được.

Bài học thứ hai

“Sự thừa nhận đối với các công ty công nghệ sinh học”. Những “nhà vô địch” mới hiện giờ là những công ty công nghệ sinh học trẻ, thường xuất phát từ giới hàn lâm.Trường hợp điển hình là Moderna và BioNTech, từng là những cái tên vô danh trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, giờ đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Các tập đoàn dược phẩm lớn thường giao việc nghiên cứu cho các công ty công nghệ sinh học, sau đó mua lại với giá rất cao. Xu hướng này được ông Jean-François Brochard, Chủ tập đoàn Roche của Pháp, khẳng định: “Chúng tôi cần tốc độ phát triển của các công ty công nghệ sinh học, còn họ cần khả năng của chúng tôi”.

Những đại tập đoàn dược phẩm dù sáng tạo ít song lại có khả năng công nghiệp cao nhờ hệ thống nhà máy hoặc mạng lưới các nhà thầu phụ, nên đã trở thành nhân tố không thể thiếu cho việc sản xuất đại trà.

Bài học thứ ba

Bài học thứ 3 được rút ra từ đại dịch là “sự tăng tốc các thủ tục”.Thông thường phải cần đến 10 năm để một loại vaccine đi từ quá trình nghiên cứu đến bán ra thị trường. Thế nhưng, vaccine ngừa COVID-19 chỉ cần 10 tháng. Đây là kỷ lục chưa từng có, nhờ vào việc “tiến trình cấp phép được tăng tốc”. Thay vì làm từng bước, quá trình nộp hồ sơ đến các cơ quan y tế được tiến hành cùng lúc với quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Bài học thứ tư

Bài học thứ tư chủ yếu liên quan đến Pháp, là “sự thất bại của nước Pháp”.Trong khi các công ty của Đức như BioNTech và CureVac được chính phủ hỗ trợ thì công ty Valneva của Pháp đã không tìm được nguồn tài chính để phát triển vaccine ứng viên. Nguồn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế cũng còn rất ít, vì đây là “lĩnh vực bị các nhà đầu tư đánh giá là quá rủi ro”, theo Franck Mouthon, Chủ tịch hội France Biotech.

Bài học thứ năm

Bài học thứ năm là “Có thêm sự hợp tác giữa các nhà công nghiệp”. Cuộc khủng hoảng COVID-19 cho thấy khả năng huy động của lĩnh vực sản xuất vaccine và cũng chứng minh rằng các tập đoàn đối thủ có thể hợp tác với nhau.Ví dụ Sanofi sẽ sản xuất vaccine của BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson vào mùa Hè này. Novartis cũng sẽ làm tương tự với vaccine của BioNTech.

Từ khóa: