Trong các hệ thống thông gió thì Thông gió tự nhiên là một giải pháp rất được quan tâm.

Vậy thông gió tự nhiên là gì? Có những phương pháp thông gió nào phổ biến? Hãy cùng Thiết bị phòng sạch VCR tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau đây nhé.

1.Thông gió tự nhiên là gì?

1.1. Thông gió là gì ?

Thông gió (chữ V trong HVAC, hệ thống điều hòa không khí) là quá trình thay đổi không khí trong bất kỳ không gian nào với mục đích cung cấp không khí chất lượng cao, kiểm soát nhiệt độ, loại bỏ những mùi khó chịu, hơi ẩm,... từ đó tạo ra môi trường tại nơi làm việc dễ chịu và thoáng mát hơn.

Xem thêm: Hệ thống HVAC là gì?

1.2. Khái niệm thông gió tự nhiên

Thông gió tự nhiên là phương pháp giúp không khí lưu chuyển bên ngoài vào trong nhà một cách tự nhiên mà không sử dụng những thiết bị cơ khí hỗ trợ như quạt,...

2. Những dạng thông gió tự nhiên phổ biến

Các dạng thông gió này bao gồm: thông gió từ áp lực gió, thông gió từ áp lực nhiệt, ngoài ra còn có lưu thông gió tự nhiên bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào.

2.1. Thông gió tự nhiên từ áp lực nhiệt (Thermal Force)

Đây là dạng thông gió cơ bản, phổ biến được các công trình nhà ống sử dụng, lưu thông gió được tạo ra từ sự chênh lệch áp suất của không khí bên trong nhà và môi trường ngoài. 

thông gió tự nhiệt áp lực từ nhiệt
Thông gió tự nhiên từ áp lực nhiệt

Trong một không gian xác định như một tòa nhà, một công trình kiến trúc,... có con người sinh sống và hoạt động bên trong sẽ sản sinh ra nhiệt độ. Nhiệt độ này truyền sang không khí làm tăng nhiệt độ không khí trong phòng, từ đó không khí giãn nở, nhẹ hơn và bay lên cao tạo nên một vùng khí áp thấp.

2.2. Thông gió tự nhiên dựa vào áp lực gió (Wind Force)

Với phương pháp này có hiệu quả khá tốt vì khi tính toán thông gió thì tốc độ gió được tạo ra từ áp lực nhiệt khoảng 0,3m/s, với mức gió này chưa đủ để tạo ra cảm giác thay đổi về nhiệt, tuy nhiên với phương pháp áp lực gió thì tốc độ gió có thể dao động khoảng từ 0,5 – 2m/s.

thông gió tự nhiên từ áp lực gió
Thông gió tự nhiên từ áp lực gió

Thông gió tự nhiên dựa vào áp lực gió chính là thông gió xuyên phòng. Tốc độ lưu thông gió và lưu lượng gió ở mức trung bình nếu như kích thước, vị trí của cửa hút và cửa thoát gió tương đương nhau. Với trường hợp kích thước của cửa thoát gió lớn và vị trí cao hơn cửa hút thì tốc độ gió và lưu lượng gió sẽ tăng lên.

2.3. Lưu thông gió tự nhiên bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào

Cách nhanh nhất để ngôi nhà trở nên trong lành, không khí trong phòng thông thoáng hơn thì cần mở cửa ra vào và cửa sổ thường xuyên. Nhưng phụ thuộc vào yếu tố thời tiết để mở cửa sổ nhiều hay ít.

- Mùa hè: Vào buổi trưa và chiều nên đóng cửa để tránh ánh nắng và luồng khí nóng xâm nhập vào nhà, vì lúc này nhiệt độ ngoài trời sẽ cao hơn trong nhà. Khi chiều-tối, nắng tắt nên mở cửa để đón gió mát vào nhà.

- Mùa đông: Nhiệt độ trong nhà cao hơn ngoài trời. Vào buổi trưa nhiệt độ cao thì nên mở cửa sổ để căn nhà được thông thoáng. Vào mùa đông, không nên mở cửa sổ quá lâu.

3. Giải pháp kết hợp nhiều cách thông gió tự nhiên

giải pháp kết hợp
Giải pháp kết hợp

Đây là giải pháp khả thi trong thông gió tự nhiên nhà ở, vì chúng kết hợp hai phương pháp thông gió tự nhiên áp lực nhiệt và áp lực gió. Khi đó, hiệu quả thông gió sẽ tốt hơn và những hạn chế khi đi riêng lẻ từng phương pháp cũng được giải quyết.

3.1. Sử dụng lam chống nắng

Khi thiết kế và xây dựng nên dùng gạch thông gió để diện tích cửa hút nhỏ lại, từ đó tốc độ gió và lưu lượng gió tăng lên. Bên cạnh đó, lam chống nắng giúp giảm bớt nắng và nhiệt độ nóng vào không gian căn nhà.

3.2. Hiệu ứng ống khói

Đây là giải pháp thường áp dụng trong các tòa nhà cao tầng, nó tương tự như thông gió bởi áp lực nhiệt. Sử dụng khí lạnh áp lực để đẩy khí nóng bay lên cao và thoát ra ngoài. Từ đó, tạo ra áp lực kéo thêm khí tươi vào thế chỗ cho lượng khí nóng vừa bay lên.

Chú ý: khi có sự chênh lệch độ cao giữa cửa đón gió và cửa thoát gió càng lớn thì hiệu quả càng cao.

3.3. Giải pháp sử dụng giếng trời

Đây được xem là phương pháp thông minh, phù hợp với kiểu nhà ống hoặc nhà phố. Bên cạnh đó, có thể xây dựng thêm tiểu cảnh, giúp căn nhà thông thoáng và có nhiều không gian xanh hơn.

giải pháp sử dụng giếng trời
Giải pháp sử dụng giếng trời

3.4. Hiệu ứng Bernoulli

Đây là một giải pháp tận dụng chênh lệch tốc độ gió để không khí lưu thông trong không gian nhà ở. Không khí chuyển động càng nhanh thì áp suất càng thấp hoặc không khí càng cao, càng xa mặt đất thì càng giảm thiếu sự cản trở từ những yếu tố khác. Vì thế sẽ chuyển động nhanh và áp suất thấp.

4. Cách gia tăng hiệu quả thông gió tự nhiên

Để thông gió tự nhiên đạt được hiệu quả tốt cần đáp ứng các yếu tố về:

4.1. Chọn vật liệu thông gió

Vật liệu là yếu tố hỗ trợ quan trọng trong việc thông gió, nên sử dụng những vật liệu có khoảng trống, ô rỗng để việc kiểm soát gió và ánh nắng mặt trời được tốt nhất. Để có chất lượng công trình tốt nhất thì sử dụng gạch thông gió, tấm thanh thông gió...

4.2. Chọn cửa sổ mở hai bên

Cửa sổ mở hai bên có khả năng đón nhận gió cao gấp đôi so với cửa sổ kinh trượt. Vì thế, tùy theo nhu cầu thông gió của mỗi nhà mà lựa chọn loại cửa sổ thích hợp. Nên mở nhiều hơn một cửa để việc thông gió đạt hiệu quả tốt nhất, tạo lối đi cho không khí bằng cách thiết kế và xây dựng cửa 2 phía khác nhau.

4.3. Chú ý về vách ngăn

Thông gió bị cản trở khi trong nhà có nhiều vách ngăn vững chắc. Vì thế, để thông gió hiệu quả hơn nên sử dụng các tấm ngăn gỗ, lưới thép thay cho những bức tường bê tông. Đồng thời, để không gian nhà ở đảm bảo tính thẩm mỹ thì cần tính toán về độ cao của vách ngăn

4.4. Bố trí các cửa hợp lý

Để việc thông gió tự nhiên cho nhà ở tốt nhất cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian thì cần chú ý đến việc thiết kế và bố trí các cửa ra vào hợp lý. Dựa vào diện tích nhà ở để có thể bố trí kích thước cửa phù hợp và nên được thiết kế cửa ở hai phía khác nhau của căn phòng, tạo lối đi cho không khí. Trường hợp hai cửa ở hai phía đối diện và được thông với nhau bằng một đường chéo thì sẽ cho ra hiệu quả càng cao, nhưng nếu hai cửa đặt cùng một phía thì gió không thể lưu thông được. Nếu phòng chỉ có một cửa sổ thì nên lắp quạt điện hướng ra phía cửa số để tạo ra luồng gió hướng về phía ngoài cửa nhằm đưa không khí lưu thông ra môi trường bên ngoài phòng. Ngược lại, nếu lắp quạt hướng về phía trong phòng, không khí bên ngoài cửa sổ sẽ đi vào phòng. Không khí trong phòng có bụi bẩn tích tụ sẽ không được đưa ra ngoài. 

Ngoài các cách nêu trên còn có thêm biện pháp là trồng nhiều cây xanh

Cây xanh giúp cung cấp một nguồn không khí tốt, tạo cảm giác thông thoáng, thoải mái và dễ chịu cho con người. Vì thế, nên bổ sung thêm các loại cây cảnh trong nhà để tăng cường lưu thông không khí tốt nhất

5. Ứng dụng hệ thống thông gió tự nhiên

Hệ thống thông gió tự nhiên được ứng dụng rất nhiều trong đời sống và sản xuất. Phổ biến nhất là ứng dụng trong nhà ở, chung cư, nhà xưởng, trang trại chăn nuôi… Cùng tìm hiểu chi tiết 3 ứng dụng chính của hệ thống thông gió bằng tự nhiên: 

  • Nhà ở: Chủ yếu là các cửa sổ, cửa chính và giếng trời là hệ thống thông gió. Bên cạnh đó còn có thêm hệ thống quạt, điều hoà để làm mát và thông gió được tốt hơn.
  • Nhà xưởng: Đa phần đều có sự tham gia của các thiết bị hỗ trợ thông gió như máy hút gió, quạt thông gió và điều hòa, ngoài kết hợp các phương án thông gió tự nhiên.
hệ thống thông gió nhà xưởng
Hệ thống thông gió nhà xưởng
  • Trang trại chăn nuôi: Ngoài việc kết hợp thông gió tự nhiên thì hệ thống quạt thông gió không thể thiếu. Bởi việc bảo vệ, ổn định nhiệt độ, không khí trong trang trại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của vật nuôi. Vì thế, để mang lại hiệu quả thông gió tốt nhất thì cần kết hợp hệ thống thông gió tự nhiên và những hệ thống khác.
hệ thống thông gió trang trai chăn nuôi
Hệ thống thông gió trang trại chăn nuôi

6. Lưu ý khi lắp đặt

Khi lắp đặt hệ thống thông gió, cần lưu ý một số điều sau để hệ thống hoạt động tốt nhất.

  • Dựa vào điều kiện khí hậu và nhiệt độ khu vực mà lựa chọn hệ thống thông gió thích hợp.

Ví dụ: Các loại quạt hút, quạt thông gió công nghiệp sẽ phù hợp với các nhà xưởng, nhà máy ở nơi thông thoáng. Còn với nhà xưởng ở những nơi nắng nóng, nhiệt độ cao thì cần phải lắp đặt thêm hệ thống thông gió, làm mát để điều chỉnh nhiệt độ bên trong.

  • Chọn đơn vị có kinh nghiệm: việc lắp đặt hệ thống thông gió phải từ những đơn vị có kinh nghiệm và tay nghề thực hiện. Có kế hoạch chi tiết từ công đoạn thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu, lắp đặt,....
  • Cân nhắc vị trí lắp đặt: nên lắp ở vị trí cao, không nên lắp đặt ở các vị trí ngang đầu người hoặc nhiều người qua lại.

Trên đây là những nội dung về thông gió tự nhiên mà Thiết bị phòng sạch VCR muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng thông qua bài viết bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích.

 

Phương.

Từ khóa: