Ngành dược - Điểm sáng của Việt Nam trong Đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 diễn ra làm ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành Dược phẩm. Tuy vẫn gặp nhiều khó khăn, Dược phẩm là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất từ đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 diễn ra làm ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành Dược phẩm. Tuy vẫn gặp nhiều khó khăn, Dược phẩm là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất từ đại dịch COVID-19, vì đây là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người dân. Hãy cùng VCR tìm hiểu về tình hình ngành dược phẩm trong thời kì Covid-19 qua bài viết dưới đây!
Tình hình ngành dược Việt trong bối cảnh hiện nay
Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh nhưng các doanh nghiệp ngành dược Việt Nam vẫn ngược dòng thị trường, ghi nhận được những kết quả sản xuất - kinh doanh tích cực.
Ngay khi dịch COVID-19 bùng nổ, cổ phiếu của các công ty ngành dược đã tăng giá vùn vụt vì ngành dược được đánh giá là nhóm nhỏ các ngành được hưởng lợi do dịch bệnh - ít nhất là trong ngắn hạn, nhờ nhu cầu gia tăng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và các thiết bị y tế.
Nhìn chung, triển vọng thực hiện kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp dược năm 2021 đều hết sức khả quan, là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dược Việt Nam, chiếm 14% thị phần thuốc sản xuất trong nước, danh mục các sản phẩm chủ yếu bao gồm: thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng sinh và vitamin) đặt kế hoạch tương đối thận trọng với doanh thu thuần hợp nhất là 3.866 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, chỉ ngang bằng so với năm 2020. Sở dĩ có sự thận trọng như vậy vì hoạt động sản xuất của Công ty đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 do có tới 80% nguyên liệu sản xuất thuốc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong khi nguồn nguyên liệu dự trữ chỉ chiếm 13,8% giá trị sản xuất trong năm. Kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang tăng trưởng mạnh một phần nhờ nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng, đặc biệt ở nhóm tăng sức đề kháng; đồng thời việc tổ chức lại hệ thống phân phối, tập trung vào các sản phẩm chiến lược đã giúp tổng doanh thu tăng gần 10% nhưng lợi nhuận tăng gần 30%, so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Traphaco (công ty đứng đầu Bảng xếp hạng Top 5 Công ty Đông Dược uy tín do Vietnam Report công bố) chủ động được nguồn cung dược liệu tại Việt Nam nên không chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Traphaco đã tận dụng lợi thế sản phẩm sẵn có của công ty phù hợp về tác dụng phòng chống dịch và gói sản phẩm nước súc miệng TB, tăng sức đề kháng Antot Thymo và sau này là sản phẩm nước rửa tay, tạo nên bộ ba sản phẩm chống dịch được người tiêu dùng tín nhiệm vì có hiệu quả cao, giá thành hợp lý. Năm 2021, Công ty cổ phần Traphaco lên kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng (tăng 16,5%) và lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỷ đồng (tăng 5,5% so với năm 2020).
Công ty cổ phần Imexpharm ít bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khan hiếm hơn Dược Hậu Giang do nguồn nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 50%. Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 260 tỷ đồng, tăng 28,4% so với năm 2020. Doanh thu tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng nhiều hơn là do việc đẩy mạnh bán hàng vào kênh ETC (Ethical drugs - các loại thuốc bán theo đơn bác sĩ và đấu thầu tại bệnh viện) đã góp phần tiết kiệm được đáng kể chi phí bán hàng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 được dự báo sẽ làm chậm kế hoạch phát triển các nhà máy của Imexpharm.
Năm 2021, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco đặt mục tiêu kế hoạch khá thận trọng với doanh thu thuần ở mức 1.468 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,6% và 1,1% so với thực hiện năm 2020 bởi Domesco nằm trong số những doanh nghiệp chịu nhiều tác động bởi sự gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu do dịch COVID-19. Triển vọng phát triển dài hạn của Domesco được đánh giá là khả quan do mối quan hệ hợp tác với cổ đông chiến lược là Tập đoàn Abbott - Tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới, chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất và đưa ra các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao trong lĩnh vực dinh dưỡng, dược phẩm, thiết bị chẩn đoán và điều trị.
Tổng công ty cổ phần y tế Danameco (DNM) cũng báo lãi cao nhất trong vòng sáu năm qua nhờ tập trung toàn lực đầu tư cho dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế có nhu cầu cao trong mùa dịch, gồm khẩu trang y tế và trang phục chống dịch.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, không phải doanh nghiệp ngành dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi mà tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dược tương đối phân hóa trong Đại dịch COVID-19. Bên cạnh những ngành dược lãi lớn, tăng trưởng mạnh, ngành dược cũng ghi nhận nhiều ngành dược bị sụt giảm lợi nhuận, trong đó có DN ghi nhận lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thách thức đối với ngành dược phẩm trong thời kì Covid-19
Thách thức lớn nhất đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp ngành dược Việt Nam là nhu cầu cho nguyên liệu sản xuất dược phẩm ở Việt Nam phụ thuộc từ 80 - 90% vào nguồn nhập khẩu, trong đó, nguồn cung từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới hơn 80%. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà máy sản xuất API (nguyên liệu sản xuất dược phẩm) tại 2 quốc gia này phải ngừng hoạt động hoặc hạn chế xuất khẩu.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và phát triển các loại thuốc bằng sáng chế còn hạn chế và ngành dược Việt chỉ có thể sản xuất thuốc gốc. Tuy nhiên, dù nguồn cung nguyên liệu, việc chuyển giao công nghệ sản xuất, hợp tác với các đối tác nước ngoài bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19, dư địa tăng trưởng của ngành dược Việt Nam vẫn còn rất lớn. Dự báo của Hãng nghiên cứu thị trường BMI cho thấy, doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026 với tốc độ tăng trưởng khoảng 10,6 %/năm.
Các chiến lược phát triển của ngành dược phẩm Việt Nam
Động thái mới nhất của công ty lớn ngành dược dự báo thị trường sẽ có sự phân hóa sâu sắc và cuộc cạnh tranh bám đuổi giữa các công ty này sẽ ngày một quyết liệt hơn đòi hỏi các doanh nghiệp ngành dược Việt phải có chiến lược thích ứng với trạng thái bình thường mới và chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo.
Do mức độ và chiều hướng tác động của Đại dịch COVID 19 lên các doanh nghiệp ngành dược có sự khác nhau nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, về tổng thể, các doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược thích ứng và phát triển trong trạng thái bình thường mới theo ba nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp thứ nhất bao gồm việc tập trung xử lý các vấn đề cấp thiết và quản lý thanh khoản. Doanh nghiệp có thể thành lập Ban chỉ đạo/Tổ công tác để tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh về nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất. Quản lý thanh khoản yêu cầu các doanh nghiệp phải cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ. Các kế hoạch mua sắm tài sản có thể xem xét gác lại và lựa chọn các giải pháp thay thế như đi thuê tài sản, thuê mua tài chính để duy trì lượng tiền mặt dự phòng đủ lớn.
Nhóm giải pháp thứ hai hướng đến tăng doanh thu và lợi nhuận thông qua việc rà soát và đưa ra các giải pháp có thể thực hiện ngay để tăng dòng tiền và tăng hiệu quả hoạt động. Các giải pháp có thể bao gồm cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng, và chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm và chi phí chuỗi cung ứng, tối ưu thuế và tối ưu vốn lưu động.
Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý là việc cắt giảm các khoản đầu tư thường không tạo ra các động lực tăng trưởng và phát triển trong dài hạn, thậm chí có thể tác động tiêu cực đến khả năng tăng trưởng và phát triển trong tương lai.
Ở nhóm giải pháp thứ ba, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và cải tổ phương thức phản hồi, nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi và nhu cầu khách hàng. Đây chính là nội dung cốt lõi của chiến lược thích ứng và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Các nhóm giải pháp này có thể thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp, hoặc được sắp xếp ưu tiên thực hiện tùy vào tình hình thực tế và khả năng từ các nguồn lực của từng doanh nghiệp.
Cần phải thấy trước khả năng sẽ có sự hoán đổi vị trí các doanh nghiệp ngành dược, mặc dù có thể không nhanh chóng do tác động của xu hướng đầu tư vào ngành. Các doanh nghiệp dược có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, sẽ có thể có cơ hội để bứt phá và dẫn dắt thị trường. Các doanh nghiệp dược được quản lý quá cứng nhắc có thể phải nhường cơ hội kinh doanh cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược.
Nguồn tham khảo : Vietnam Report