Thông gió là gì? Phân loại & Mục đích sử dụng thông gió
Hệ thống thông gió có vai trò rất quan trọng, nó giúp cho việc lưu thông, trao đổi không khí giữa môi trường bên trong và bên ngoài nhằm cung cấp nguồn không khí sạch cho môi trường sống ở không gian đó và được dùng chủ yếu tại các nhà máy sản xuất, nhà ở, nơi làm việc,...
- 1. Khái niệm thông gió
- 2. Phân loại hệ thống thông gió
- 3. Cấu tạo hệ thống thông gió
- 4. Mục đích của việc sử dụng hệ thống thông gió
- 5. Quy trình lắp đặt hệ thống thông gió đúng kỹ thuật
- 6. Ứng dụng của hệ thống thông gió?
Vậy thông gió là gì? Có những loại thông gió nào và mục đích sử dụng hệ thống này ra sao? Cùng Thiết bị phòng sạch VCR tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Khái niệm thông gió
Thông gió (chữ V trong HVAC, hệ thống điều hòa không khí) là quá trình thay đổi không khí trong bất kỳ không gian nào với mục đích cung cấp không khí chất lượng cao, kiểm soát nhiệt độ, loại bỏ những mùi khó chịu, hơi ẩm,... từ đó tạo ra môi trường tại nơi làm việc dễ chịu và thoáng mát hơn.
Xem thêm: HVAC System là gì?
2. Phân loại hệ thống thông gió
Để phân loại hệ thống thông gió, người ta dựa vào sự chuyển động của không khí. Thông thường có 2 loại là thông gió tự nhiên và thông gió cưỡng bức.
2.1. Thông gió tự nhiên
Do sự chênh lệch nhiệt độ giữa không gian bên trong và môi trường bên ngoài dẫn tới sự chênh lệch về áp suất. Từ đó tạo nên sự chuyển động của không khí, tận dụng nguyên lý này để tạo ra hệ thống cấp gió tươi tự nhiên giúp môi trường bên trong nhà luôn thoáng mát, trao đổi không khí thì sẽ có 3 cách sau:
-
Thông gió tự nhiên không có tổ chức (hiện tượng gió lùa)
Gió lùa là việc không khí lưu thông ra, vào qua các khe hở của cửa, qua các lỗ trên tường khi có gió thổi.
Hiện tượng gió lùa đều không kiểm soát được lưu lượng, không điều chỉnh được vận tốc và hướng gió…nên gọi là thông gió tự nhiên vô tổ chức.
-
Thông gió tự nhiên có tổ chức
Hiện tượng này là khi xác định được diện tích của gió vào, gió ra, lưu lượng gió cho phòng, từ đó điều chỉnh được vận tốc và hướng gió.
Thông gió tự nhiên có tổ chức có ưu điểm rất lớn (về kinh tế) vì không tốn kém thiết bị, tiết kiệm điện năng mà vẫn xử lý tốt vấn đề thông gió. Chính vì thế, nó được áp dụng rất nhiều ở Việt Nam, chủ yếu trong các phân xưởng nóng, dư nhiệt hay tại những nhà công nghiệp một tầng.
-
Thông gió trọng lực
Đây là hệ thống thông gió tự nhiên dưới sức đẩy của trọng lực (còn gọi là thông gió cột áp), sử dụng mương dẫn để thông gió. Do chênh lệch áp suất giữa bên trong và bên ngoài nhà dẫn đến không khí chuyển động. Thường được dùng trong các nhà dân dụng và công cộng (Ví dụ: thông gió ở các ống khói nhà ở gia đình)
2.2. Thông gió cưỡng bức (thông gió cơ khí)
Đây là hệ thống thông gió sử dụng các thiết bị cơ khí để hỗ trợ quá trình cấp hút khí từ không gian này qua không gian khác. Dưới tác động của động cơ, không khí lưu thông nhanh chóng, loại bỏ mùi hôi, khí thải,... ra môi trường bên ngoài.
Thông gió cưỡng bức thường có 3 loại sau:
-
Thông gió kiểu hút
Hút không khí bị ô nhiễm, hút nhiệt, bụi bẩn ra khỏi phòng và không khí bên ngoài tràn vào phòng theo các khe hở hoặc cửa lấy gió tươi nhờ chênh lệch cột áp, đảm bảo điều kiện vệ sinh cho môi trường.
Ưu điểm: hút trực tiếp không khí ô nhiễm ở nơi phát sinh, không cho phát tán ra trong phòng, lưu lượng thông gió nhờ vậy không yêu cầu quá lớn, nhưng hiệu quả cao.
Nhược điểm: gió tuần hoàn trong phòng không cao, sự tuần hoàn không đáng kể. Bên cạnh đó, vì không kiểm soát được chất lượng gió đi vào phòng nên không khí từ những vị trí không mong muốn có thể tràn vào tự do.
-
Thông gió kiểu thổi
Thổi không khí sạch vào phòng đồng thời thải không khí bên trong ra ngoài qua các khe hở của phòng nhờ chênh lệch cột áp.
Ưu điểm: cấp gió đến các vị trí cần sử dụng, nơi tập trung đông người hoặc dư nhiệt ẩm, tốc độ gió luân chuyển thường lớn.
Nhược điểm: gió tràn ra mọi hướng vì áp suất trong phòng là dương, từ đó có thể tràn đến những khu vực không mong muốn.
-
Hệ thống điều hòa không khí
Hệ thống này có đầy đủ thiết bị xử lý không khí đảm bảo yêu cầu của con người và công nghệ (thiết bị lọc bụi, thiết bị sấy nóng, làm lạnh, làm ẩm không khí…)
Đây là phương pháp hiệu quả vì kết hợp giữa kiểu hút và thổi nên có thể hút không khí ô nhiễm tại những nơi sản sinh chất độc và cấp lượng gió tươi lớn đến những vị trí cần thiết.
Ưu điểm: Gồm tất cả những điểm mạnh và giải quyết được các nhược điểm của hai kiểu thông gió trên.
Nhược điểm: Tốn kém chi phí đầu tư
2.3. Ngoài ra còn có cách phân loại khác
Theo hướng chuyển động của gió
- Thông gió kiểu thổi
- Thông gió kiểu hút
- Thông gió kết hợp
Theo động lực tạo ra thông gió
- Thông gió tự nhiên
- Thông gió cưỡng bức
Theo phương pháp tổ chức
- Thông gió tổng thể: là thông gió cho cả phòng hoặc toàn bộ công trình.
- Thông gió cục bộ: là thông gió cho một khu vực nhỏ trong phòng hoặc nơi có phát sinh các chất độc hại.
Theo mục đích
- Thông gió bình thường: giúp loại bỏ nhiệt ẩm thừa, chất độc hại, đồng thời cung cấp không khí sạch cho sinh hoạt của con người.
- Thông gió sự cố: Dùng để khắc phục những sự cố ở nhiều công trình có chất độc hại, nó sẽ đào thải khí độc, đảm bảo an toàn cho người lao động (chỉ vận hành khi xảy ra sự cố)
Ví dụ: khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống thông gió hoạt động, tạo sức ép dương lên những nơi lửa không thể xâm nhập, từ đó thoát hiểm dễ dàng.
3. Cấu tạo hệ thống thông gió
Hệ thống thông gió được cấu thành bởi nhiều bộ phận lắp ghép với nhau, mỗi bộ phận có chức năng, tác dụng riêng biệt:
- Ống gió và phụ kiện ống gió: Được làm bằng tôn mạ kẽm, inox, vải…, phổ biến là ống gió vuông và ống gió tròn
- Ống gió mềm: Là loại ống nhôm bọc 2 lớp bên ngoài, kèm dây thép cứng, ở giữa có lớp bông thủy tinh cách nhiệt tỷ trọng cao, làm cho ống có sự đàn hồi, chịu kéo, chịu áp cao.
- Quạt: Là bộ phận trực tiếp đưa khí vào phòng đồng thời thải khí ra môi trường, phổ biến: Quạt hướng trục và quạt ly tâm.
- Cửa gió: Thường được sử dụng trong hệ thống thông gió cửa nan T, nan bầu dục, cửa ngoài trời (cửa gió louver,...)
- Van gió: van điều chỉnh lưu lượng, van dập lửa
Ngoài ra, hệ thống còn có: các loại cảm biến khói, cảm biến CO2, cảm biến chênh áp, hệ thống lọc bụi,...
4. Mục đích của việc sử dụng hệ thống thông gió
- Thải các chất độc hại bên trong phòng ra môi trường bên ngoài, nhằm cải thiện chất lượng không khí cho không gian làm việc
- Tiết kiệm năng lượng
- Thải nhiệt ẩm thừa ra bên ngoài.
- Cung cấp lượng oxy cần thiết cho sinh hoạt của con người.
- Trong một số tình huống đặc biệt như hỏa hoạn, …mục đích thông gió là để khắc phục các sự cố.
5. Quy trình lắp đặt hệ thống thông gió đúng kỹ thuật
Dưới đây là những bước cơ bản của quá trình lắp đặt hệ thống thông gió được hầu hết các đơn vị áp dụng.
- Tiếp nhận thông tin của khách hàng: Khách hàng có nhu cầu sẽ đưa ra yêu cầu về dịch vụ, chi phí, loại hình thông gió mong muốn. Tiếp đó, đơn vị tiếp nhận thực hiện việc khảo sát nhà xưởng và ghi lại những đặc điểm thực tế của công trình.
- Xây dựng bản thiết kế và báo giá: Từ những thông tin thực tế của đã khảo sát, đơn vị thi công sẽ phác thảo, lên bản thiết kế lắp đặt cho công trình. Sau đó, sẽ gửi báo giá đến khách hàng.
- Xây dựng bản vẽ chi tiết 2D, 3D: Đơn vị thi công hoàn thiện bản vẽ chi tiết 2D, 3D và dự kiến thời gian hoàn thành dự án. Bản vẽ phải thể hiện sự chân thực nhất về hình ảnh nhà xưởng, hệ thống thông gió sau khi hoàn thiện, từ đó giúp chủ doanh nghiệp dễ dàng hình dung và đánh giá. Hai bên tiến hành ký hợp đồng sau khi khách hàng thống nhất với bản thiết kế.
- Thi công lắp đặt: Đơn vị thi công sẽ tiến hành bố trí, lắp đặt các loại thiết bị hút, thông gió theo bản vẽ thiết kế. Hiệu quả thông gió và làm mát hệ thống phụ thuộc vào việc lắp đặt quạt cho nhà xưởng công nghiệp.
- Đo đạc, hiệu chỉnh: Sau khi lắp đặt xong hệ thống thông gió, người thực hiện dự án sẽ thực hiện việc đo đạc, hiệu chỉnh nhằm đảm bảo không có thiếu sót, sai lệch của các chi tiết.
- Nghiệm thu công trình: Sau khi hoàn tất quá trình lắp đặt và vận hành thử, đơn vị thi công bàn giao dự án để khách hàng nghiệm thu.
- Bảo hành sau dự án: Đơn vị thi công tiếp tục theo dõi, hỗ trợ và giải quyết những vấn đề phát sinh về hệ thống thông gió sau khi đã được đưa vào sử dụng.
6. Ứng dụng của hệ thống thông gió?
- Hệ thống thông gió cho tòa nhà: ở các tòa nhà cao tầng, người ta thường dùng các hệ thống làm mát để lưu thông không khí, tạo không gian sạch sẽ và trong lành trong tòa nhà. Thông thường, hệ thống thông gió được lắp ở các vị trí trong tòa nhà như: tầng hầm, hành lang, cầu thang,...
- Hệ thống thông gió ở tầng hầm: thường là nơi thấp nhất tòa nhà, dùng để các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là chủ yếu, vì là nơi kín gió nên sẽ tích tụ nhiều khí thải của khói xe cộ, ẩm mốc,... Vì vậy, người ta cần lắp đặt hệ thống thông gió cho tầng hầm để lưu thông không khí, cấp khí tươi vào trong hầm. Đảm bảo sự trong lành, đầy đủ không khí cho sự hoạt động của con người.
- Hệ thống thông gió hành lang: đây là khu vực hoạt động chung của mọi người. Thông thường, người ta lắp đặt hệ thống quạt hút ở hành lang nhằm mục đích hút khí, khói độc, giúp con người hạn chế hít phải khi có hỏa hoạn xảy ra.
- Hệ thống tăng áp cầu thang: Cùng với hệ thống hút khói hành lang, người ta cần lắp hệ thống tăng áp tại khu vực cầu thang thoát hiểm. Khi có hỏa hoạn, hệ thống sẽ hoạt động và cấp khí tươi vào khu vực cầu thang thoát hiểm. Sử dụng quạt tăng áp giúp đẩy khí, có sự chênh lệch áp suất với bên ngoài. Từ đó tạo ra môi trường an toàn, có thời gian cho mọi người thoát hiểm. Đảm bảo khói lửa không lan vào trong khu vực thoát hiểm.
- Hệ thống thông gió khu công nghiệp: phổ biến trong nhà xưởng và chuồng trại.
- Hệ thống thông gió chuồng trại: Ở các chuồng trại công nghiệp thường có lượng gia súc, gia cầm lớn. Khí thải từ chăn nuôi, sinh ra mùi vô cùng khó chịu, ảnh hưởng tới không gian xung quanh và chất lượng chăn nuôi. Chính vì thế, người ta cần lắp đặt hệ thống thông gió cho chuồng trại giúp không gian mát mẻ, thông thoáng, hạn chế tối đa mùi khó chịu.
- Hệ thống thông gió cho nhà xưởng: là nơi có nhiều máy móc và con người làm việc. Sử dụng hệ thống thông gió giúp hạ nhiệt, từ đó máy móc vận hành ổn định, giảm thiểu tình trạng máy bị nóng khi đang hoạt động. Tạo không gian thoáng mát, bảo vệ sức khỏe và tăng năng suất làm việc cho người lao động.
Hệ thống làm mát nhà xưởng, quạt thông gió hiện nay được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều công trình như: nhà xưởng gia công (may mặc, giày da,...); xưởng dệt, chế tạo máy,...; các công trình công cộng (bệnh viện, sân vận động, rạp chiếu phim,...)
Qua bài viết trên, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức cũng như hiểu rõ hơn về hệ thống thông gió trong môi trường sống của con người.
Phương.