SA 8000 là gì? Các yêu cầu của SA 8000 đối với doanh nghiệp
SA8000 là một hệ thống các tiêu chuẩn trách nhiệm giải trình xã hội để hoàn thiện các điều kiện làm việc cho người lao động.
Trong bài viết này, mời các bạn cùng Thiết bị phòng sạch VCR tìm hiểu các thông tin cơ bản của tiêu chuẩn SA 8000 và tại sao nó lại cần thiết cho doanh nghiệp nhé.
SA 8000
SA 8000 là gì?
SA 8000 là một hệ thống các tiêu chuẩn trách nhiệm giải trình xã hội để hoàn thiện các điều kiện làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp, trang trại hay văn phòng, do Social Accountability International (SAI) phát triển và giám sát.
SA 8000 xây dựng dựa trên:
- Tuyên ngôn thế giới về quyền con người
- Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc
- Các công ước khác của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Các phiên bản của SA 8000
SA 8000 có 3 phiên bản, được ban hành lần lượt vào các năm 1997, 2008 và 2014.
Các chuẩn mực trách nhiệm xã hội khác tương tự SA 8000 như:
- Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội ISO 26000 – Social Responsibility do ISO ban hành ngày 1/11/2010.
- Chương trình BSCI – Business Social Compliance Initiative
- Chương trình WRAP – Worldwide Responsible Accredited Production.
Đối tượng sử dụng SA 8000
Doanh nghiệp ở mọi mô hình, quy mô, điều kiện… đều có thể áp dụng tiêu chuẩn SA 8000:
- Các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân
- Các tổ chức phi lợi nhuận
- Các tổ chức chính phủ / phi chính phủ
Chứng nhận SA 8000 cần thiết như thế nào?
Chứng nhận SA 8000 không chỉ khẳng định cho một môi trường chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tăng tính gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp và người lao động. Nhờ đó còn giúp thu hút nguồn lao động chất lượng và thúc đẩy tính tự giác của họ.
Doanh nghiệp áp dụng SA 8000 còn để giảm thiểu các rủi ro về tai nạn lao động và thiết lập hệ thống quản lý quy trình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Doanh nghiệp cũng thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, khẳng định hình ảnh uy tín trong mắt người tiêu dùng và các đối tác kinh doanh. Bên cạnh đó tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường phát triển cho sản phẩm và tổ chức.
Các yêu cầu của SA 8000
Lao động trẻ em
Tiêu chuẩn SA 8000 yêu cầu doanh nghiệp không được phép tuyển dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, hoặc người lao động mà việc làm gây ảnh hưởng tới việc học bắt buộc.
Đối với các đối tượng có thể bị mất việc do yêu cầu này, doanh nghiệp áp dụng SA 8000 phải hỗ trợ tài chính cho việc giáo dục trẻ em.
Lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc
Không được có bất cứ hình thức ép buộc nào với người lao động: không sử dụng lao động không tự nguyện, lao động cưỡng bức, ép buộc, lệ thuộc hoặc lao động bị buôn bán từ nạn buôn người.
Không được giữ các giấy tờ tùy thân gốc hoặc ép buộc người lao động trả “chi phí tuyển dụng” để được làm việc.
Sức khỏe và An toàn
Doanh nghiệp cần tổ chức khám và đào tạo huấn luyện sức khỏe và an toàn cho người lao động. Cung cấp trang thiết bị bảo hộ, thiết bị vệ sinh, nước uống, thực phẩm… cho người lao động.
Giảm thiểu hoặc loại bỏ các mối nguy hiểm trong môi trường làm việc, đảm bảo người lao động được yên tâm, thoải mái, an toàn trong khi làm việc.
Tự do hội đoàn và Quyền thương lượng tập thể
Nhân viên có quyền thành lập, tham gia vào các hội nhóm, công đoàn mà không bị phân biệt đối xử, ngăn cản hay chèn ép, trù dập. Tôn trọng quyền thương lượng tập thể của nhân viên, được nêu ra quan điểm, ý kiến cá nhân, giải quyết khiếu nại tại nơi làm việc một cách công khai, minh bạch, công bằng.
Phân biệt đối xử
Doanh nghiệp không phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, đẳng cấp, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo, khuyết tật, giới tính, khuynh hướng tình dục, tôn giáo, thành viên công đoàn hoặc đảng phái chính trị.
Kỷ luật lao động
Nghiêm cấm hành vi quấy rối, lạm dụng tại nơi làm việc. Không dung túng cho các cử chỉ không đúng đắn, thiếu chừng mực, bắt nạt hoặc lời nói, giọng điệu, ngôn ngữ khiếm nhã, đe dọa hay xúc phạm.
Đặc biệt, nghiêm cấm hình phạt về thể xác, cưỡng bức tinh thần hoặc lạm dụng lời nói đối với người lao động.
Giờ làm việc
Người lao động không được làm việc quá 48 tiếng và được nghỉ 1 ngày phép trong 1 tuần.
Không làm thêm quá 12 tiếng/tuần và phải được sự chấp thuận của người lao động, cũng như đảm bảo sức khỏe, quyền lợi cho người lao động.
Tiền lương và phúc lợi
Yêu cầu doanh nghiệp trả mức lương tối thiểu theo luật pháp địa phương và quốc gia. Có các phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo thuật định cho người lao động.
Tiền lương được trả đầy đủ và đúng hạn cho người lao động.
Hệ thống quản lý
Doanh nghiệp cần có thông báo, triển khai thực hiện nội dung trên toàn cơ sở. Xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm soát, theo dõi quá trình thực hiện. Tiếp thu ý kiến, xử lý khiếu nại và có biện pháp khắc phục các vấn đề còn tồn đọng.
Lợi ích của SA 8000
- Xây dựng niềm tin trong lòng khách hàng, rằng sản phẩm được tạo ra trong một môi trường lao động an toàn, công bằng
- Giảm thiếu chi phí giám sát
- Góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tệ nạn xã hội
- Khẳng định danh tiếng và mức độ uy tín của doanh nghiệp dựa trên cơ sở đánh giá của đơn vị đánh giá SA 8000 và các hoạt động cải tiến của doanh nghiệp
Quy trình đánh giá chứng nhận SA 8000
Dưới đây là quy trình 6 bước xin đánh giá chứng nhận SA 8000 mà doanh nghiệp có thể tham khảo:
B1: Lựa chọn đơn vị tư vấn SA 8000
B2: Tùy vào quy mô, thực trạng và sự quyết tâm của doanh nghiệp, đơn vị tư vấn sẽ đưa ra các hoạt động đào tạo, hướng dẫn soạn thảo tài liệu, tư vấn cải thiện hạ tầng cần thiết… thực hiện trong vòng 3 tháng tới 1 năm theo tiêu chuẩn SA 8000.
B3: Đánh giá nội bộ
B4: Đơn vị tư vấn sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đánh giá chứng nhận
B5: Khắc phục các vấn đề còn tồn tại (nếu có)
B6: Doanh nghiệp nhận báo cáo đánh giá và duy trì hệ thống SA 8000
Chứng nhận SA 8000 sẽ có hiệu lực trong vòng 03 năm, doanh nghiệp có thể lựa chọn đánh giá lại vào cuối năm thứ 3.
Pháp luật của việt nam liên quan tiêu chuẩn SA 8000
- Bộ Luật lao động 2019
- Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người …
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
- Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu
- Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
- Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
Các quy định quốc tế liên quan SA 8000
Tổ chức cũng phải (bắt buộc) tuân theo các nguyên tắc trong các chuẩn mực quốc tế sau:
- Công ước ILO 1 (Giờ làm việc – Ngành công nghiệp) và Khuyến nghị 116 (Giảm giờ làm)
- Công ước ILO 29 (Lao động cưỡng bức) và 105 (Xóa bỏ Lao động cưỡng bức)
- Công ước ILO 87 (Tự do hội đoàn)
- Công ước ILO 98 (Quyền thương lượng tập thể)
- Công ước ILO 102 (Bảo hiểm xã hội – Các tiêu chuẩn tối thiểu)
- Công ước ILO 131 (Áp dụng mức lương tối thiểu)
- Công ước ILO 135 (Đại diện người lao động)
- Công ước ILO 138 và Khuyến nghị 146 (Độ tuổi tổi thiểu)
- Công ước ILO 155 và Khuyến nghị 164 (An toàn và sức khỏe lao động)
- Công ước ILO 182 (Các hình thức tồi tệ nhất của Lao động trẻ em)
- Công ước ILO 183 (Bảo vệ sản phụ)
PN