Chi tiết sơ đồ dây chuyền sản xuất mì ăn liền công nghiệp của nhà máy
Mì ăn liền là loại thực phẩm quen thuộc với nhiều nước trên thế giới. Không chỉ có giá thành rẻ, loại mì này còn cung cấp đủ năng lượng, chế biến nhanh và có thể biến tấu theo nhiều cách.
Để đáp ứng nhu cầu thị hiếu, ngày càng có nhiều thương hiệu mì ăn liền xuất hiện trên thị trường. Nếu bạn muốn tìm hiểu sơ đồ dây chuyền sản xuất mì ăn liền, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Thiết bị phòng sạch VCR.
Tìm hiểu thêm:
- Tiêu chuẩn thiết kế Phòng sạch thực phẩm đạt chuẩn
- Xử lý nước thải chế biến thực phẩm
- Quy trình công nghệ sản xuất enzyme
1. Nguyên liệu để sản xuất mì ăn liền gồm những gì?
Trước khi tìm hiểu về sơ đồ dây chuyền sản xuất mì ăn liền, bạn cần biết được những nguyên liệu chính được sử dụng trong quá trình sản xuất loại thực phẩm này.
Sợi mì ăn liền thường được làm từ khoai tây, bột mì, dầu cọ, muối kéo ra thành sợi. Vì vậy, để sản xuất mì ăn liền thường sử dụng các nguyên liệu chính dưới đây:
- Bột mì
- Tinh dầu cọ
- Muối
- Bột nghệ
- Chất điều vị
- Bột trứng
- Chất tạo xốp
- Chất chống oxy hoá
Trong đó, tinh bột mì là nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất. Vì vậy, mì ăn liền thường chứa lượng carbohydrate và calo khá cao. Những người mắc bệnh béo phì, tim mạch, huyết áp, tiểu đường cần hạn chế sử dụng thực phẩm này.
2. Dây chuyền sản xuất mì ăn liền có đặc điểm, tính năng và những ưu điểm nào?
Đặc điểm dây chuyền sản xuất mì ăn liền
- Dây chuyền sản xuất mì ăn liền tự động hoàn thành việc cán bột tạo hình, cắt, hấp, chiên dầu, làm mát vắt mì.
- Trong dây chuyền gồm các loại máy: Máy làm mát, máy chiên dầu, bàn xếp bán thành phẩm, máy hấp cắt mì, máy cán bột tạo hình, máy trộn bột.
- Dây chuyền có tính năng ổn định, tự động hóa cao, độ bền tốt.
- Tốc độ làm việc nhanh, thao tác đơn giản, không cầu kỳ, giúp tiết kiệm năng lượng.
- Kết cấu của dây chuyền nhỏ gọn, tiết kiệm diện tích.
Tính năng của dây chuyền sản xuất mì ăn liền
- Hệ thống tự động đảm bảo bột không bị hoà lẫn với tạp chất khác, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí nhân công.
- Máy chiên được trang bị bộ thay đổi nhiệt, đảm bảo giữ nhiệt độ ổn định trong quá trình chiên, tốt cho việc cải tiến và kiểm soát chất lượng sản xuất.
- Máy được làm từ thép không gỉ, có độ bền tốt, tuổi thọ cao.
- Các thiết bị trong dây chuyền đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ưu điểm của dây chuyền sản xuất mì ăn liền
- Dây chuyền có khả năng tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng.
- Dễ dàng điều chỉnh độ dày của tấm nhào bột.
- Trình điều khiển PLC, hoàn toàn tự động và vận hành dễ dàng.
- Không chỉ sản xuất mì ăn liền, dây chuyền còn có thể sản xuất các sản phẩm tương tự như mỳ chũ, bánh đa cua, miến, phở,...
- Chi phí đầu tư ban đầu không cao, chi phí vận hành khá thấp giúp các đơn vị sản xuất tiết kiệm tài chính trong quá trình sản xuất.
3. Sơ đồ dây chuyền sản xuất mì ăn liền
Quy trình sản xuất mì ăn liền công nghiệp khá phức tạp, cần có sự can thiệp của nhiều loại máy móc và thiết bị hiện đại. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo sơ đồ dây chuyền sản xuất mì ăn liền dưới đây:
4. Quy trình sản xuất mì ăn liền diễn ra như thế nào?
Chuẩn bị nguyên liệu cần thiết
Bước đầu tiên trong quy trình sản xuất mì ăn liền là chuẩn bị nguyên liệu. Đây là bước quan trọng nhằm đảm bảo hương vị thơm ngon của mì gói.
- Chuẩn bị bột: Nguyên liệu chính để sản xuất mì tôm là bột mì với tỉ lệ 82 - 82%. Tác dụng của tinh bột nhằm tăng độ dai cho sợi mì.
- Chuẩn bị nước trộn bột: Khi chuẩn bị nước trộn bột, tuỳ vào công thức trộn mì và loại mì sẽ cho thêm một số chất phụ gia để tăng hương vị cho mì gói như chất tạo độ dai, chất màu, bột ngọt, muối, đường,... Lưu ý, cần cho đúng định lượng và tỷ lệ.
Bên cạnh đó, nước trộn bột không được vón cục, kéo váng, tạo màng và phải đồng nhất. Để làm được điều này, các chất phụ gia cần được hòa tan trong nước nóng. Các cánh khuấy trong bồn trộn sẽ trộn nước và phụ gia khoảng 15 phút. Sau đó, nhân viên kỹ thuật tiến hành kiểm tra nồng độ của nước trộn bột. Nếu đạt yêu cầu, bồn nước trộn sẽ được giữ yên trong vòng 2 giờ trước khi đem vào nhào bột.
Trộn bột
Ở công đoạn trộn bột, protein sau khi hút nước sẽ trương, nở ra tạo thành gluten. Việc trộn nước và bột tạo ra khối bột có độ đàn hồi, dẻo dai. Đồng thời, các chất phụ gia sẽ được phân tán đều trong khối bột nhào và hương vị thấm nhanh vào khối bột, khiến chúng trở thành một thể đồng nhất.
Công đoạn này cần sử dụng máy trộn công nghiệp công suất cao. Đầu tiên, máy sẽ trộn bột khô trước. Sau khi cho nước vào, máy tiến hành trộn bột ướt và nhào trong vòng 15 - 20 phút. Lưu ý, tốc độ trộn bột ướt cần phải đều và không được trộn quá lâu vì sẽ khiến không khí vào khối bột. Sau khi trộn xong, độ ẩm của khối bột đạt 30 - 33% và đảm bảo không bị vón cục, rời rạc, có độ đồng đều cao.
Cần lưu ý thêm, nếu trộn bột quá ướt sẽ gây ra tình trạng khó cán, dầu không ngấm đều, khi chiên lên vắt mì dễ bị đốm. Ngược lại, nếu trộn bột quá khô thì bột sẽ rời rạc và khi cán dễ bị đứt. Bên cạnh đó, khi cho thêm chất phụ gia hoặc hoá chất, cần cho đúng tỷ lệ và phải đảm bảo hoà tan các chất.
Cán bột
Sau khi hoàn tất công đoạn trộn bột, khối bột nhào được đưa vào hệ thống cán để cán thành lá bột. Có nghĩa là, các khối bột được cán dẹt để giảm bớt không khí trong bột, đồng thời giúp bột dễ kéo sợi và tạo hình.
Công đoạn cán bột gồm 02 bước: Cán tinh và cán thô. Sau khi cán, độ dày của bột là 0,8 - 1,2mm và phải đảm bảo bề mặt mịn, không có lỗ xốp, lá bột không bị rách. Nhìn chung, giai đoạn cán bột có tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng gluten tại quá trình nhào, trộn bột.
Cắt sợi, đùn bông
Việc tạo hình sợi mì có thuận lợi hay không phụ thuộc vào công đoạn cắt sợi, đùn bông. Mục đích của công đoạn đùn bông nhằm tăng tính thẩm mỹ cho sợi mì và cắt sợi giúp định hình, kích thước cho sợi mì.
Ở công đoạn này, tiến hành cán mỏng lá bột, sau đó theo băng chuyền tới máy cắt sợi. Các dao cắt sẽ cắt dọc lá bột và tạo ra các sợi mì. Nhờ bộ phận lược tỳ sát bề mặt trục dao, sợi mì được gỡ ra khỏi các rãnh nhằm mục đích tránh làm rối sợi mì.
Lúc này, sợi mì đang có hình dạng thẳng. Khi mì đi ra khỏi dao cắt, do tốc độ mì đi ra khỏi dao lớn hơn nhiều so với tốc độ băng chuyền nên sợi mì bị đùn lại, tạo ra gợn sóng. Kết quả thu được là sợi mì có hình gợn sóng đồng đều, không bị răng cưa, sợi láng. Sợi mì có đường kính là 0,8 - 1mm.
Ở công đoạn này cần lưu ý, không được để mì bị rối, chập, gợn sóng không đều và thấp hay dao cắt sợi mì không đứt hẳn.
Tiến hành hấp sợi mì
Sau khi tạo hình, sợi mì được đưa vào buồng hấp để làm chín sơ bộ, tăng độ dai giòn và rút ngắn thời gian chiên sợi mì. Đồng thời, công đoạn này còn làm mất hoạt tính của enzym có trong nguyên liệu. Sau khi hấp, sợi mì vàng, mềm và dai hơn. Độ chín của sợi mì đạt khoảng 80 - 90%. Quan trọng nhất, sợi mì sau khi hấp xong không bị biến dạng, bị nhão hay dính lại trên băng tải.
Sau khi hấp mì xong sẽ đưa ra ngoài buồng hấp, tiến hành thổi nguội để làm khô sợi mì, tạo điều kiện để thực hiện các bước còn lại.
Cắt mì theo định lượng
Sợi mì được cắt có chiều dài từ 20 - 25cm. Khi cắt mì, cần cắt đúng định lượng, kích thước và không tạo răng cưa ở đầu sợi.
Nhúng nước lèo và tiến hành làm ráo nước
Nước lèo là loại nước dùng tạo ra hương vị đậm đà cho các món phở, bún, mì. Việc nhúng mì gói vào nước lèo giúp cho hương vị của mì thơm hơn.
Sợi mì sau khi hấp xong và thổi nguội có tính háo nước, vì vậy, mì sẽ nhanh chóng hấp thụ nước lèo. Công đoạn này diễn ra trong thời gian từ 15 đến 20 giây.
Tạo khuôn vắt mì
Tạo khuôn vắt mì tức là đưa mì vào khuôn cố định như hình ly, hình chữ nhật, hình tròn,... Để cố định vắt mì, khuôn sẽ được gắn trên xích tải. Ở bước này, cần lưu ý, vắt mì phải được tạo khuôn vuông vắn và đều đặn.
Sấy hoặc chiên
Công đoạn tiếp theo là sấy hoặc chiên mì gói nhằm mục đích bảo quản mì tốt hơn, mì sẽ trở nên giòn xốp. Bên cạnh đó, trong quá trình chiên, một phần nước trong mì chuyển thành chất béo, tạo ra hương vị thơm ngon.
Sau công đoạn chiên hoặc sấy mì, vắt mì có độ ẩm dưới 4,5%. Sợi mì không bị cháy khét, dính dầu, đốm sống hay vỡ vụn.
Làm nguội
Sau khi chiên mì, cần làm khô dầu trên vắt mì và làm nguội về nhiệt độ thường. Thiết bị làm nguội sẽ ức chế quá trình oxy hóa của các chất béo có trong mì. Sau quá trình làm nguội, sợi mì sẽ ráo và khô, giảm lượng dầu dư thừa.
Cấp gói gia vị
Mỗi khẩu phần mì ăn liền sẽ được cấp gói gia vị để chuyển qua công đoạn đóng gói, hoàn thành sản phẩm.
Đóng gói
Nhiều đơn vị sản xuất đã ứng dụng máy đóng gói để tiến hành đóng gói mì ăn liền. Với dạng bao bì gói thường sử dụng máy đóng gói nằm ngang. Thông qua băng tải, mì được chuyển vào bộ phận đóng gói. Bộ phận đóng gói sẽ di chuyển cuộn màng để tạo túi và cắt, hàn các miệng túi chắc chắn.
Kiểm tra chất lượng
Mặc dù trong quá trình sản xuất sử dụng thiết bị công nghệ cao, song không thể đảm bảo không xảy ra lỗi. Do đó, nhân công sẽ kiểm tra chất lượng của mì gói kỹ càng trước khi đóng thùng và phân phối ra thị trường.
Đóng thùng
Đóng thùng là công đoạn cuối cùng trong quy trình sản xuất mì ăn liền. Thông thường, một thùng có 24 ly mì và 30 mì gói. Việc đóng thùng thường sử dụng máy đóng thùng carton hoặc thực hiện thủ công. Sau khi đóng thùng, sản phẩm sẽ chuyển đến tay người tiêu dùng.
5. Trong quy trình sản xuất mì ăn liền sử dụng những thiết bị nào?
Những thiết bị được sử dụng trong quy trình sản xuất mì tôm bao gồm:
Thiết bị nhào trộn bột
Công đoạn nhào trộn bột gồm: Trộn bột ướt và trộn bột khô. Hai công đoạn này sử dụng hai thiết bị nhào trộn khác nhau, một máy chuyên trộn bột ướt và một máy chuyên trộn bột khô.
Các loại máy trộn bột khô có thể kể đến là:
- Máy trộn bột chữ V.
- Máy trộn bột đa chiều.
- Máy trộn lục lăng.
- máy trộn chữ F.
Các loại máy trộn bột ướt gồm:
- Máy trộn chân không.
- Bồn trộn gia nhiệt có cánh khuấy.
- Máy trộn bột ướt.
- Máy trộn nhũ hóa chân không.
Thiết bị cán bột
Loại thiết bị này dùng để cán mỏng khối bột nhào. Ưu điểm của chúng là có thể điều chỉnh độ dày mỏng của khối bột.
Hệ thống hấp
Sau khi mì được cắt sợi, hệ thống hấp sẽ làm chín sơ bộ mì ở nhiệt độ 100 độ C. Loại máy này sử dụng điện gia nhiệt để tạo hơi phun và phun gián tiếp vào bột mì để mì chín đều, đạt mức độ hồ hóa từ 85 - 90%. Thiết kế hệ thống hấp được đặt nghiêng so với mặt sàn nhằm mục đích thoát hơi tốt hơn. Phần cửa buồng hấp có thể mở ra để dễ dàng vệ sinh máy.
Bộ phận cắt dao định lượng
Công dụng của bộ phận cắt dao định lượng là cắt sợi và tạo hình cho sợi mì. Sợi mì ăn liền không thẳng mà có độ cong nhất định. Các trục ở dao cắt định lượng giúp sợi mì được cắt chuẩn kích thước. Các dao cắt này được làm từ inox chống ăn mòn để đảm bảo chất lượng và tính an toàn của sản phẩm.
Thiết bị chiên mì
Thiết bị này sẽ nhúng mì vào dầu và tiến hành chiên mì để giảm bớt lượng nước có trong mì, đồng thời chuyển đổi thành chất béo giúp mì có hương vị thơm ngon.
Thiết bị chiên mì sẽ đảm bảo độ chiên vừa phải và mì không bị nhúng quá nhiều dầu, không khiến mì bị vỡ vụn, cháy khét.
Thiết bị làm khô sợi mì
Thiết bị làm khô sợi mì gồm các quạt để làm khô sợi mì và loại bỏ bớt dầu thừa sau khi chiên. Loại máy này quyết định đến độ giòn xốp của mì trước khi đưa vào đóng gói.
Như vậy, sơ đồ dây chuyền sản xuất mì ăn liền đã được VCR nêu rõ trong bài viết trên. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng mì ăn liền chưa bao giờ giảm, do vậy, bạn cần nắm kỹ các công đoạn trong quy trình sản xuất để áp dụng cho doanh nghiệp của mình hiệu quả.