Kiểm soát nhiễm khuẩn là gì ? Yêu cầu đối với bệnh viện
Ngày nay, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cơ sở khám, chữa bệnh. Hoạt động này diễn ra nghiêm ngặt, chặt chẽ nhằm góp phần tích cực đảm bảo vệ sinh môi trường bệnh viện và sự an toàn cho người bệnh cũng như những người làm trong ngành y tế. Sau đây, mời quý bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về công việc này nhé.
- 1. Kiểm soát nhiễm khuẩn là gì ?
- 2. Những biện pháp để kiểm soát nhiễm khuẩn
- 2.1. Xây dựng và phổ biến các quy định
- 2.2. Giám sát nhiễm khuẩn trong bệnh viện
- 2.3. Quản lý việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn
- 2.4. Rửa tay với dung dịch sát khuẩn
- 2.5. Phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân
- 2.6. Xử lý, quản lý các thiết bị, dụng cụ y tế
- 2.7. Xử lý đồ vải y tế
- 2.8. Kiểm tra, giám sát, xử lý chất thải y tế
- 2.9. Đảm bảo chất lượng môi trường bệnh viện
- 2.10. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- 2.11. Ngăn ngừa và xử lý phơi nhiễm
- 2.12. Phòng chống dịch bệnh
- 2.13. Kiểm soát chặt chẽ hóa chất, vật tư
- 3. Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện
- 3.1. Hệ thống
- 3.2. Hội đồng kiểm soát
- 3.3. Các nhiệm vụ của khoa hoặc bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện
- 3.4. Yêu cầu đối với mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn
- 3.5. Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng khoa hoặc trưởng bộ phận
- 3.6. Nhiệm vụ, quyền hạn của điều dưỡng trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn
- 3.7. Yêu cầu đối với bộ phận giám sát
- 4. Vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn
1. Kiểm soát nhiễm khuẩn là gì ?
Kiểm soát nhiễm khuẩn là việc xây dựng, triển khai, quản lý các quy định chuyên môn và sự phối hợp liên khoa giữa khoa kiểm soát nhiễm khuẩn và các khoa, phòng khác với mục tiêu hướng đến là giảm thiểu tối đa những nguy cơ, sự lây lan của vi trùng có hại cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng trong quá trình cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh.
Hiểu một cách đơn giản hơn, kiểm soát nhiễm khuẩn là “một đội ngũ” có nhiệm vụ “bảo vệ” cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và chính những người làm trong ngành y tế.
2. Những biện pháp để kiểm soát nhiễm khuẩn
2.1. Xây dựng và phổ biến các quy định
Xây dựng, phê duyệt và phổ biến về kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BYT và những kế hoạch về giám sát việc nhiễm khuẩn với mục tiêu chất lượng, phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tế của các cơ sở khám, chữa bệnh.
2.2. Giám sát nhiễm khuẩn trong bệnh viện
Tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ dữ liệu các trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, nhiễm khuẩn bệnh viện,… để phát hiện kịp thời và báo cáo cho khoa hoặc bộ phận quản lý. Từ kết quả đó đưa ra những giải pháp can thiệp kịp thời để tránh nguy cơ dịch lây lan rộng và giảm nhiễm khuẩn cho khu vực bệnh viện.
2.3. Quản lý việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn
Nhắc nhở, hướng dẫn, kiểm tra, quản lý người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế thực hiện đúng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt ở khu vực thực hiện phẫu thuật.
2.4. Rửa tay với dung dịch sát khuẩn
Những người có trách nhiệm liên quan phải tuân thủ, quản lý, giám sát và thực hiện việc sát khuẩn tay bằng dung dịch của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân.
2.5. Phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân
Hướng dẫn, nhắc nhở, tổ chức thực hiện những quy định về phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh hoặc khám, chữa bệnh của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, học viên.
Sử dụng các biện pháp cách ly phù hợp cho những người thuộc diện nghi ngờ và những người mắc bệnh lây truyền.
Rà soát chặt chẽ việc thực hiện phòng ngừa dựa theo đường lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà bệnh nhân.
2.6. Xử lý, quản lý các thiết bị, dụng cụ y tế
Để đảm bảo các thiết bị, dụng cụ y tế đạt hiệu quả, an toàn và chất lượng, khoa hoặc bộ phận kiểm soát phải thực hiện kiểm tra, quản lý và xử lý.
Các thiết bị, dụng cụ y tế sau khi đã được xử lý phải đảm bảo vô khuẩn trước khi đưa vào sử dụng.
Việc thực hiện các quy định về xử lý và quản lý các thiết bị, dụng cụ y tế tại phòng, khoa phải được giám sát và kiểm tra chặt chẽ.
2.7. Xử lý đồ vải y tế
Đồ vải cho người bệnh hoặc nhân viên y tế phải được cấp hằng ngày hoặc những trường hợp cần thiết.
Tất cả đồ vải của người bệnh phải tập trung giặt, phơi hoặc sấy ở một khu vực riêng và những đồ vải có máu, đồ dính dung dịch sinh học,… phải để riêng để xử lý để đảm bảo an toàn.
Đồ vải sau khi đã được xử lý phải được bảo quản ở những nơi đảm bảo vệ sinh như tủ, kệ sạch sẽ và vận chuyển bằng những phương tiện chuyên dùng đến nơi cần sử dụng.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các quy trình xử lý đồ vải
Nhân viên quản lý, xử lý đồ vải phải có kiến thức chuyên môn về xử lý đồ vải y tế.
2.8. Kiểm tra, giám sát, xử lý chất thải y tế
Các chất thải y tế phải đảm bảo được phân loại, vận chuyển, xử lý đảm bảo an toàn theo đúng quy định của pháp luật.
2.9. Đảm bảo chất lượng môi trường bệnh viện
Kiểm tra vệ sinh môi trường theo đúng quy định của Bộ Y tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, về môi trường không khí, môi trường nước, môi trường bề mặt bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Tổ chức thực hiện diệt côn trùng theo định kỳ và phân bố đủ nhà vệ sinh cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế.
Những người tham gia công việc vệ sinh môi trường tại cơ sở khám, chữa bệnh phải có các kiến thức về vệ sinh môi trường.
2.10. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Kiểm tra chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm và báo cáo những trường hợp bị nhiễm khuẩn sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Phối hợp với các cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm để tổ chức các hoạt động nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.
2.11. Ngăn ngừa và xử lý phơi nhiễm
Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, xử lý và báo cáo tai nạn, rủi ro nghề nghiệp liên quan đến vi sinh vật đối với nhân viên y tế.
Triển khai việc tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm gan B và các bệnh truyền nhiễm khác cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm.
Thuốc, vắc xin, các sản phẩm y tế dự phòng dùng để điều trị cho nhân viên y tế khi bị phơi nhiễm phải luôn có sẵn.
2.12. Phòng chống dịch bệnh
Chuẩn bị sẵn những kế hoạch và kết hợp với các cơ sở y tế khác để ứng phó kịp thời với những trường hợp khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh
Trang thiết bị, vật chất, thuốc men, hóa chất, nhân lực, vật tư phải luôn trong trạng thái có sẵn.
Tập huấn các kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ nhân viên y tế.
Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo và khai báo dịch bệnh theo quy định.
2.13. Kiểm soát chặt chẽ hóa chất, vật tư
Thiết lập các chỉ tiêu, kiểm tra, quản lý việc sử dụng hóa chất, vật tư dùng trong kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo đảm tính tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
3. Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện
3.1. Hệ thống
Một hệ thống kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn (tùy theo quy mô giường bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh) bao gồm:
- Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn
- Khoa hoặc bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn.
Với một cơ sở khám, chữa bệnh từ 150 giường bệnh trở lên phải tổ chức hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn; dưới 150 giường bệnh ít nhất phải có bộ phận, mạng lưới kiểm soát và có người chịu trách nhiệm làm việc toàn thời gian (người này phải có chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc văn bằng về kiểm soát nhiễm khuẩn); với những cơ sở khám, chữa bệnh không có giường bệnh, bắt buộc phân công một người phụ trách công việc này.
3.2. Hội đồng kiểm soát
3.2.1. Tổ chức
Người thành lập nên Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn là Giám đốc (chủ tịch) là người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh.
Các trưởng khoa hoặc người có nhiệm vụ phụ trách công việc này được gọi là thư ký.
Người đại diện lãnh đạo các khoa, các phòng là các thành viên của hội đồng kiểm soát, trong đó ít nhất phải có sự tham gia của lãnh đạo các phòng chức năng, xét nghiệm, khoa dược và một số khoa khác có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao.
3.2.2. Nhiệm vụ
Tư vấn việc sửa chữa, thiết kế, xây dựng công trình y tế thích hợp cho Giám đốc.
Nghiên cứu, đào tạo, giám sát vấn đề nhiễm khuẩn
Quan sát, tìm hiểu, nhận xét và đưa ra những sự điều chỉnh sao cho phù hợp với kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở đó.
3.3. Các nhiệm vụ của khoa hoặc bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện
- Liên kết với các phòng, khoa liên quan để tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát, quản lý việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn trong bệnh viện có đúng quy định hay không.
- Là đầu mối tham mưu cho Giám đốc về các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Thiết lập bản mô tả công việc cho đội ngũ nhân viên y tế
- Thiết lập các chỉ tiêu, quản lý việc sử dụng và đề xuất mua sắm trang thiết bị, vật tư liên quan.
- Khi các thành viên mạng lưới giám sát làm việc phải có sự hướng dẫn, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra kỹ càng.
- Đội ngũ nhân viên y tế phải qua các đợt tập huấn, đào tạo do khoa hoặc bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn tổ chức.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế.
- Nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
- Và một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc
3.4. Yêu cầu đối với mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn
3.4.1. Tổ chức
Giám đốc là người thành lập và phân công nhiệm vụ. Mỗi khoa lâm sàng, cận lâm sàng cử tối thiểu một bác sĩ và một điều dưỡng hoặc kỹ thuật y kiêm nhiệm để tham gia mạng lưới kiểm soát.
3.4.2. Nhiệm vụ
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát việc nhiễm khuẩn
Dưới sự phân công của giám đốc, hướng dẫn của trưởng khoa hoặc người có trách nhiệm, những người trong mạng lưới phải tham gia và thực hiện công việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa đó.
Báo cáo đột xuất và báo cáo theo định kỳ về tình trạng nhiễm khuẩn cũng như việc chấp hành thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế cho lãnh đạo khoa và trưởng khoa.
3.5. Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng khoa hoặc trưởng bộ phận
3.5.1. Nhiệm vụ
Tham mưu cho giám đốc.
Tổ chức, chịu trách nhiệm, tổng kết và báo cáo kết quả về việc thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Thực hiện một số công việc khác dưới sự giao phó của Giám đốc.
3.5.2. Quyền hạn
Thực hiện quyền hạn chung của trưởng khoa
Rà soát, quản lý và đề nghị các khoa, phòng, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân thực hiện đúng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Với những hành vi vi phạm hay những cá nhân, tập thể có thành tích trong việc thực hiện các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn cần được đề xuất với Giám đốc để cảnh cáo, kỷ luật hoặc tuyên dương, khen thưởng.
Với những cơ sở khám, chữa bệnh dưới 150 giường bệnh, không thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn thì những người có trách nhiệm tại cơ sở đó có nhiệm vụ và quyền hạn như trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn (trừ việc thực hiện quyền hạn chung của trưởng khoa)
Tùy theo phạm vi chuyên môn tại cơ sở khám, chữa bệnh đó mà người chịu trách nhiệm kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát việc thực hiện ngăn ngừa và giám sát nhiễm khuẩn sao cho hợp lý.
3.6. Nhiệm vụ, quyền hạn của điều dưỡng trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn
3.6.1. Nhiệm vụ
Thực hiện nhiệm vụ chung của điều dưỡng trưởng khoa.
Xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hóa chất.
Hướng dẫn, xây dựng, giám sát việc thực hiện các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Dưới sự phân công của trưởng khoa thực hiện một số công việc khác.
3.6.2. Quyền hạn
Quyền hạn như điều dưỡng trưởng khoa khác
Có quyền kiểm tra, giám sát những hoạt động nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng trong bệnh viện.
3.7. Yêu cầu đối với bộ phận giám sát
3.7.1. Tổ chức
Bộ phận giám sát có trách nhiệm chuyên kiểm tra, giám sát các vấn đề nhiễm khuẩn vì đây là bộ phận chuyên môn của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.
Nhân viên chuyên trách bộ phận giám sát phải có trình đồ cao đẳng trở lên hoặc tốt nghiệp các ngành thuộc khối ngành sức khỏe, có chứng chỉ hoặc chứng nhận, văn bằng đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn
Với cơ sở khám, chữa bệnh có từ 150 giường bệnh trở lên phải có 1 nhân viên giám sát chuyên trách trên mỗi 150 giường bệnh và những cơ sở có dưới 150 giường bệnh phải có ít nhất 1 nhân viên giám sát chuyên trách; Còn với cơ sở khám, chữa bệnh không có giường bệnh thì trách nhiệm giám sát thuộc người phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn.
3.7.2. Nhiệm vụ
Thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và bệnh truyền nhiễm; quản lý việc thực hành công việc này.
Một số hoạt động như giám sát môi trường, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của người bệnh, người nhà bệnh nhân,.. phải tham gia tích cực, đầy đủ.
Theo sự chỉ đạo của trưởng khoa, thực hiện một số công việc khác
3.7.3. Quyền hạn
Tất cả các hoạt động liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện đều được kiểm tra và quản lý từ bộ phận giám sát.
4. Vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn
Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò không hề nhỏ trong khám, chữa bệnh. Một cơ sở thực hiện tốt việc này sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm tỉ lệ tử vong và giảm thời gian nằm viện cho người bệnh.
Ngày nay, kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám, chữa bệnh đang được quan tâm hàng đầu, các quy định về công việc này được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, chặt chẽ để góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Phương.