Nội dung của các nguyên tắc này như thế nào, cùng Thiết bị phòng sạch VCR tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1. Vô khuẩn trong phòng mổ

1.1. Vô khuẩn trong phòng mổ là gì ?

Vô khuẩn trong phòng mổ là thực hiện những công việc tạo ra sự vô trùng trong phòng phục vụ cho quá trình phẫu thuật, nhờ đó mà nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật được hạn chế một cách tối đa.

Phòng mổ, ê-kíp mổ và bệnh nhân là 3 yếu tố liên quan đến công việc này.

Phòng mổ, bệnh nhân và ekip mổ
Phòng mổ, bệnh nhân và ê-kíp mổ

1.2. Yêu cầu của vô khuẩn trong phòng mổ

Dưới đây là một vài yêu cầu để đảm bảo việc vô trùng trong phòng mổ thuận lợi, đạt hiệu quả.

  • Phòng mổ được thiết kế và xây dựng theo quy định của Bộ Y tế. Khoa phẫu thuật – Bệnh viện đa khoa thiết kế theo tiêu chuẩn ngành: 52 TCN – CTYT 38, 2005.
  • Các khoa có nguồn ô nhiễm lớn như nhà xác, khoa truyền nhiễm, khu vệ sinh,… tuyệt đối không thiết kế, xây dựng gần khu phẫu thuật.
  • Phòng tắm và phòng thay quần áo cho ê-kíp phẫu thuật phải được trang bị.
  • Luôn duy trì nhiệt độ từ 22-25⁰C và độ ẩm từ 50 – 60% cho phòng.
  • Diện tích: Phòng mổ tối thiểu là 37m². Trong đó, với các phòng mổ chỉnh hình, tim, thần kinh,… có diện tích là 58m².
  • Yêu cầu không được thấm nước, có bề mặt trơn, không thô ráp, không gồ ghề,.. đối với tường và nền nhà của khu phẫu thuật. 
  • Phòng mổ hữu khuẩn và vô khuẩn không đặt chung một phòng, phải xây dựng riêng biệt.
  • Không khí phải được thay đổi tối thiểu 15 lần mỗi giờ. Hệ thống lọc tất cả khí tươi và tuần hoàn trở lại bằng hệ thống lọc phù hợp.
  • Ngoại trừ việc di chuyển các phương tiện, ê-kíp mổ và bệnh nhân thì toàn bộ cửa phải đóng kín. Để ngăn chặn vi khuẩn, bụi bẩn, các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào phòng thì áp suất không khí bên trong phòng phẫu thuật cần cao hơn.

Đối với dụng cụ, phương tiện trong phòng phẫu thuật: 

  • Các dây dẫn, ống và đường cáp của các phương tiện được bảo vệ khỏi các tác nhân gây ô nhiễm bởi những chiếc kẹp thích hợp. Dùng túi vô khuẩn bọc những dụng cụ không vô trùng, khi mang vào phòng mổ.
  • Tất cả dụng cụ và phương tiện được sử dụng trong phòng này phải được khử khuẩn nghiêm ngặt. Mỗi vật liệu chế tạo dụng cụ đều có những đặc điểm, cấu tạo khác nhau nên các phương pháp khử khuẩn sẽ không giống nhau. 

2. Nguyên tắc vô khuẩn trong phòng mổ 

2.1. 6 nguyên tắc vô khuẩn trong phòng mổ theo AORN

(Theo AORN: Association of Operating Room Nurses - Khuyến cáo của hiệp hội y tá phẫu thuật)

Nguyên tắc 1: Các thành viên tham gia phẫu thuật bắt buộc phải thực hiện các thao tác vô trùng

Ê-kíp phẫu thuật bao gồm: thành viên vô trùng và không vô trùng, tất cả mọi người phải mặc quần áo, đeo khẩu trang, găng tay và đội mũ dành cho phẫu thuật.

Để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào vết thương của bệnh nhân, các ê-kíp mổ phải thực hiện nghiêm các quy định như sát khuẩn tay, mặc quần áo phẫu thuật đã được vô trùng,… trước khi vào phòng.

rửa tay vô khuẩn
Rửa tay vô khuẩn

Nguyên tắc 2: Toan (ga) vô trùng được sử dụng để tạo ra môi trường vô trùng trong phòng mổ

Hạn chế tối đa sự di chuyển của vi trùng, virus,… từ môi trường không vô khuẩn đến nơi đã được vô khuẩn.

Những người đi găng tay và mặc quần áo vô khuẩn mới có thể thực hiện việc trải ga vô trùng trên người bệnh và che đậy thiết bị, dụng cụ y tế trong môi trường đã vô khuẩn.

Ga vô khuẩn không được trải thấp hơn so với phòng mổ.

Bề mặt dưới ga không được xem là vô trùng mà chỉ có bề mặt trên của nó

Nguyên tắc 3: Tất cả các thiết bị, dụng cụ y tế, vật tư sử dụng trong phẫu thuật đều phải vô trùng

Tất cả trang thiết bị, vật tư, dụng cụ như kim chỉ khâu, kéo, … trước khi dùng phải đảm bảo nó còn được đóng gói nguyên vẹn sau khi đã được khử trùng đúng quy định.

khử khuẩn dụng cụ y tế
Khử khuẩn dụng cụ y tế

Nguyên tắc 4: Những vật tư cần sử dụng phải mở ra và đưa vào phòng phẫu thuật một cách vô khuẩn

Ví dụ:

Không được đặt gần và đổ ồ ạt chất lỏng vô khuẩn vào dụng cụ mổ; 

Một y tá chạy bên ngoài mở một gói băng gạc đã vô trùng bằng cách lăn vỏ bao trong tay mình để đưa nó cho y tá dụng cụ.

Nguyên tắc 5: Thường xuyên theo dõi và duy trì môi trường vô trùng

Để môi trường vô trùng được duy trì liên tục thì nhân viên trong phòng phẫu thuật có nhiệm vụ phải theo dõi và kiểm soát nó.

Các thành viên phải linh hoạt, hành động tức thời và phù hợp khi có bất kỳ hành vi vi phạm sự vô trùng để hạn chế tối đa ô nhiễm. Bất kỳ sự nghi ngờ nào về vô trùng thì mặc định xem nó chưa vô trùng. 

Để đồ đã vô khuẩn không có thời gian bị phơi nhiễm bởi môi trường bên ngoài thì các công việc chuẩn bị vô trùng không nên thực hiện trước khi mổ quá lâu.

Nguyên tắc 6: Khi di chuyển trong phòng mổ các thành viên phải tuân theo nguyên tắc để duy trì vô khuẩn

Ê-kíp mổ chỉ được di chuyển từ môi trường vô trùng này đến nơi vô trùng khác, trung tâm là bệnh nhân.

Trường hợp cần thay đổi vị trí, nhân viên mặc đồ vô khuẩn cần đảm bảo khoảng cách an toàn và di chuyển phải theo nguyên tắc mặt đối mặt hoặc lưng đối lưng với những người khác.

Với nhân viên không mặc đồ vô trùng: luôn ở trong môi trường chưa vô khuẩn, phải luôn đảm bảo khoảng cách an toàn với môi trường vô trùng, tuyệt đối không đi đến giữa 2 khu vực vô trùng.

Giữ khoảng cách tối thiểu 30cm đối với nhân viên bên ngoài, khi họ cung cấp dụng cụ, vật tư đã xử lý cho môi trường vô khuẩn.

2.2. 10 nguyên tắc vô khuẩn theo Bộ Y tế

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để duy trì được trạng thái vô khuẩn có 10 nguyên tắc vô khuẩn cơ bản sau:

  1. Không trực tiếp dùng tay không để tiếp xúc với vật đã được vô khuẩn (bắt buộc phải dùng vật phẩm như kiềm… và đeo găng tay)
  2. Phải luôn đối diện trực tiếp, không được xoay lưng với hướng vô khuẩn khi đi qua vùng vô khuẩn
  3. Giữ trật tự, không ho, hắt hơi, không đưa tay qua mặt vô khuẩn.
  4. Các dụng cụ đã được tiệt khuẩn không được để ở nơi ẩm và không ngâm trong dung dịch
  5. Với các dụng cụ y tế như kiềm, dao, kẹp,… đã được vô khuẩn phải luôn được đặt trên thắt lưng và khi sử dụng không được chổng ngược lên trên, nhất là khi kiềm đã được nhúng vào dung dịch.
  6. Khi mở gói vô khuẩn, phải cầm gói đưa rìa khăn ra xa và mở khăn hướng về người thực hiện.
  7. Mở nắp hộp vô khuẩn nếu cầm trên tay thì úp, để trên bàn thì ngửa, không được để chạm vào quần áo.
  8. Một vật sau khi đã vô khuẩn và được lấy ra khỏi hộp, sẽ tuyệt đối không được chạm bất cứ vật gì khác.
  9. Sau khi một vật vô khuẩn được lấy ra ngoài, tuyệt đối không bỏ vật phẩm đó trở lại hộp đựng.
  10. Bất kỳ một vật phẩm nào đó bị nghi ngờ về tình trạng vô khuẩn thì mặc định xem vật đó chưa được vô khuẩn.

3. Quy định và quy trình trong phòng mổ

3.1. Các quy định đối với ê-kíp trong phòng mổ

Với các thành viên tham gia phẫu thuật các quy định về trang phục, quy trình sát khuẩn diễn ra chặt chẽ.

  • Phải đội mũ che kín tóc
  • Đeo khẩu trang kiểu dây buộc, loại 3-4 lớp, che kín mũi, ngăn ngừa được vi sinh vật lây truyền qua giọt bắn khi ho, hắt hơi,…
  • Rửa tay nhằm loại bỏ vi sinh vật từ bàn tay và cánh tay bằng dung dịch sát khuẩn và bàn chải trước khi tham gia cuộc mổ
  • Mặc áo phẫu thuật và mang găng tay đúng quy trình.

quy định với ê-kíp phòng mổ

3.2. Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng mổ

Trong phòng mổ ở các cơ sở khám, chữa bệnh, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn được quy định rõ ràng và nghiêm ngặt như sau:

  • Quy trình 1: Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
  • Quy trình 2: Kiểm soát, tổ chức và quản lý dịch vụ
  • Quy trình 3: Những biện pháp ngăn ngừa và cách ly tránh nhiễm khuẩn
  • Quy trình 4: Quy trình vệ sinh tay với dung dịch sát khuẩn
  • Quy trình 5: Quy trình sử dụng các dụng cụ phòng hộ 
  • Quy trình 6: Quy trình làm sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn dụng cụ
  • Quy trình 7: Biện pháp thực hành viêm phổi tại khu vực bệnh viện
  • Quy trình 8: Biện pháp thực hành ngăn ngừa nhiễm trùng vết mổ
  • Quy trình 9: Biện pháp thực hành ngăn ngừa nhiễm trùng huyết bệnh viện
  • Quy trình 10: Biện pháp thực hành phòng tránh nhiễm khuẩn tiểu 
  • Quy trình 11: Biện pháp thực hành ngăn ngừa nhiễm trùng mô mềm
  • Quy trình 12: Quy định kiến trúc và tổ chức cũng như tiêu chuẩn tại các khoa lâm sàng
  • Quy trình 13: Sử dụng thuốc kháng sinh có nguyên tắc để phù hợp trong quá trình mổ
  • Quy trình 14: Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn ngăn ngừa lây nhiễm các bệnh như: HIV, viêm gan B, viêm gan C,…
  • Quy trình 15: Quy trình quản lý đồ vải sử dụng trong khu vực khám, chữa bệnh
  • Quy trình 16: Quy trình vệ sinh toàn khu vực bệnh viện
  • Quy trình 17: Quy trình kiểm soát, quản lý xử lý chất thải.

Trên đây, là những nội dung cơ bản nhất về nguyên tắc vô khuẩn trong phòng mổ cũng như những quy định và quy trình kiểm soát nhiễm trùng. Hi vọng bài viết giúp bạn đọc biết thêm những thông tin bổ ích.

 

Phương.