1. Phòng áp lực âm là gì ?

1.1. Khái niệm phòng áp lực âm

Phòng áp lực âm là căn phòng được thiết kế để áp suất bên trong phòng thấp hơn áp suất xung quanh phòng, từ đó ngăn chặn sự lây nhiễm chéo giữa phòng này với môi trường bên ngoài. Trong phòng này, không khí không thể đi từ bên trong phòng ra ngoài phòng.

Phòng cách ly áp lực âm là một phòng áp lực âm được thiết kế để các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm hoặc những người dễ bị lây nhiễm bệnh sử dụng nhằm cách ly bệnh nhân với môi trường bên ngoài để tránh ảnh hưởng đến nhân viên y tế và mọi người bên ngoài.

Chúng được gọi là phòng áp lực âm là vì phòng sử dụng hệ thống thông gió, có chức năng tạo áp suất thấp hơn môi trường xung quanh. Không khí chỉ có thể đi vào từ một phía và thoát ra qua phía khác theo thiết kế. Đối với không khí ô nhiễm trong phòng sẽ được xử lý bằng hệ thống lọc HEPA (High-efficiency particulate air), lọc virus trước khi thoát ra ngoài theo hệ thống thông gió. Với quy trình này giúp khả năng lây lan của virus giảm đi, ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

1.2. Phòng cách ly áp lực âm khác gì so với phòng bình thường ?

Điểm khác biệt lớn nhất và quan trọng nhất của phòng áp lực âm so với phòng thông thường là phòng áp lực âm có áp suất bên trong phòng thấp hơn so với môi trường bên ngoài. Ngoài ra môi trường này được sử dụng cho các loại bệnh mang tính truyền nhiễm cao.

phòng cách ly áp lực âm
Phòng cách ly áp lực âm

1.3. Phòng áp lực âm được dùng để làm gì ?

Phòng này có tác dụng rất lớn trong việc điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

  • Ngăn ngừa sự lây lan của virus, vi khuẩn từ buồng cách ly ra môi trường bên ngoài.
  • Hỗ trợ việc điều trị những ca bệnh nặng, có nguy cơ lây nhiễm cao.
  • Bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo giữa người bệnh với người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.

Ngoài ra, người nhà bệnh nhân hay nhân viên y tế nếu vô ý cũng có thể bị nhiễm bệnh vì khi bệnh nhân ho, nói chuyện, hắt hơi,.. các giọt bắn, dịch tiết có vi khuẩn sẽ bám lại trên các bề mặt tiếp xúc. Chính vì thế, những người ra vào phòng cách ly phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh. Hơn hết, phòng áp suất âm không phải phòng tiêu diệt vi trùng, nó chỉ giúp hàm lượng của chúng trong không khí giảm đi.

2. Thành phần cấu tạo và nguyên lý hoạt động

Phòng áp lực âm được thiết kế với tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo hoạt động tốt nhất, có 2 phần chính trong cấu tạo của phòng bao gồm: Phòng chính và phòng đệm.

cấu tạo phòng áp lực âm
Cấu tạo phòng áp lực âm

2.1. Phòng chính

Nơi điều trị của bệnh nhân cách ly: Phòng này bảo vệ con người tránh khỏi sự lây truyền trong không khí từ những người bị bệnh.

  • Không khí ô nhiễm sẽ được hệ thống HEPA xử lý, lọc virus trước khi thoát ra ngoài theo hệ thống thông gió, với thiết kế này giúp cho khả năng lây nhiễm chéo hay lây lan virus qua không khí sẽ giảm đi.
  • Với cấu tạo trần nguyên khối, cửa ra vào khít, khe hở dưới cánh khoảng 1,27cm, vòi nước, ổ cắm điện, cửa sổ đều được bịt kín giúp phòng áp suất âm luôn được duy trì.
  • Không khí sạch đi vào phòng áp suất âm qua các cửa hút. Tất cả không khí trong phòng sẽ được thay mới 5 phút/lần.
  • Để áp suất trong phòng giảm xuống cần có một hệ thống ống bơm hút gió. Ống này thường được để ngay đầu giường bệnh, để hơi thở của bệnh nhân không chạm tới đường hô hấp của nhân viên y tế, bác sĩ khi họ đến gần giường bệnh thăm khám.
  • Để đảm bảo việc không khí chỉ có thể đi vào, các mầm bệnh của người cách ly trong phòng này không bị phát tán ngược ra ngoài theo luồng không khí thì phòng vệ sinh cũng là một phòng áp lực âm.
  • Có 2 buồng đệm được đặt giữa phòng cách ly và hành lang. Khi nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, quần áo chống nước, mũ trùm đầu trước khi vào phòng áp suất âm sẽ sử dụng buồng đệm đầu tiên. Còn buồng thứ 2 là nơi các nhân viên y tế sử dụng sau khi điều trị cho bệnh nhân trong phòng cách ly, những vật dụng đã tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được mang đi xử lý.
  • Bệnh nhân và y bác sĩ trao đổi với nhau dễ dàng hơn nhờ có hệ thống monitor kết nối ra bên ngoài với thông số về nồng độ oxy, nhịp thở, nhịp tim... của bệnh nhân.
  • Ngoài ra, hệ thống lọc HEPA hoạt động dựa trên cơ chế khuếch tán và hút tĩnh điện cho phép bắt được các hạt nhỏ hơn kích thước khe hở 0,3 micromet. Các giọt bắn của mầm bệnh thường có kích thước từ hàng chục micromet trở lên, vì vậy bộ lọc HEPA có thể xử lý >99,99% không khí trong đường ống hút từ phòng áp lực âm. Virus được giữ lại trên các màng lọc này, chúng có thể tự chết hoặc bị chết khi nhân viên kỹ thuật bệnh viện khử khuẩn bộ lọc và thay mới.

2.2. Phòng đệm

Đây là phòng có áp suất không khí thấp hơn hành lang và cao hơn phòng chính. Đây là nơi khử trùng, thay đồ trước khi vào phòng cách ly của nhân viên y tế và cũng là phòng bảo vệ bệnh nhân khác khỏi sự lây truyền của bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào trong không khí.

Ngoài ra, còn có phòng hành lang di chuyển bên ngoài - là phòng có áp suất không khí tương đương hoặc cao hơn với áp suất môi trường; phòng thay đồ bẩn - phòng có áp suất thấp hơn so với phòng bệnh nhân để tránh các dịch thải có hại đi ngược về phòng bệnh nhân. Đồ bẩn sau khi sử dụng sẽ bỏ ra ở đây và được nhân viên y tế đưa đi tiêu hủy, tránh để lại mầm bệnh.

Tại các phòng bệnh, cần trang bị hệ thống máy tạo áp lực âm ở mức độ cho phép, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân nhưng đáp ứng được yêu cầu hút không khí thành một chiều đi vào và không khuếch tán không khí ra xung quanh. Điều này giúp ngăn ngừa các mầm bệnh trong không khí trong phòng (như nhiễm covid 19, bệnh lao hoặc cúm) không thoát ra khỏi phòng và lây nhiễm cho người khác.

Để làm được điều này cần một hệ thống thông khí hút áp lực được trang bị bên trong phòng bệnh. Hệ thống này duy trì áp lực hút liên tục, không khí được hút qua một màng lọc hiệu suất cao có vai trò lọc khuẩn. Sau đó không khí mới được di chuyển ra ngoài. Trong phòng áp suất âm, bạn có thể cảm thấy không khí bị hút vào phòng qua khe cánh cửa đóng kín hoặc thông qua một cửa sổ hơi mở.

3. Các loại bệnh cần sử dụng phòng áp lực âm

Phòng này thường được sử dụng cho phòng cách ly nhiễm khuẩn, những bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao qua không khí và qua đường hô hấp như bệnh sởi, thủy đậu, cúm, lao, ebola,… đặc biệt hiện nay là dịch Covid-19.

Ngoài ra, phòng áp lực âm còn được sử dụng ở: phòng mổ hữu khuẩn, phòng khám nghiệm tử thi, phòng chụp X quang, phòng tối – phòng phim,…

4. Các loại phòng áp lực âm

Có hai loại phòng áp suất âm là phòng loại III và phòng loại IV (trong đó phòng loại I và loại II thuộc phòng áp lực dương)

phòng cách ly áp suất âm

4.1. Phòng cách ly loại III

Là phòng áp lực âm bảo vệ những người bên ngoài phòng tránh khỏi virus, vi khuẩn có thể lây nhiễm trong không khí. Trang bị hệ thống thoát khí nhằm loại bỏ nhiều không khí hơn so với lượng phòng được cung cấp.

4.2. Phòng cách ly loại IV

Trong các trường hợp phải cách ly, phòng loại IV là phòng bao gồm các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng bổ sung như phòng trước.

Có các biện pháp phòng ngừa cao hơn được thực hiện với các phòng này, bao gồm báo động để cảnh báo nhân viên về tình trạng mất áp suất trong phòng, cửa tự đóng, phòng tắm riêng cho bệnh nhân và hệ thống thông gió không cho phép bất kỳ không khí cũ trở lại phòng.

Bộ lọc HEPA Filter nên được sử dụng cho không khí thải để kiểm soát không khí bị ô nhiễm và lọc virus trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

5. Quy trình ra vào trong phòng áp lực âm

Để có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm thì quy trình ra vào phòng cũng rất quan trọng đối với nhân viên y tế. Dưới đây là quy trình ra vào phòng áp suất âm.

  • Luôn rửa tay với dung dịch sát khuẩn khi vào hoặc ra khỏi phòng
  • Phải mặc áo chuyên dụng, đeo găng tay và đeo khẩu trang đối với tất cả nhân viên y tế. Khách có thể vào bên trong nhưng với một số tình huống chỉ thành viên gia đình mới được phép vào thăm. Trẻ em, những người đang bị những bệnh khác như cúm,… thì không được phép vào.
  • Cánh cửa phòng áp suất âm phải luôn ở tình trạng đóng.
  • Ngoại trừ bạn phải làm xét nghiệm hoặc những việc không thể thực hiện trong phòng thì bắt buộc bạn phải ở trong phòng liên tục, không ra ngoài.
  • Trang bị phòng hộ, mở - đóng phòng đệm, mở phòng điều trị, làm đúng nguyên tắc để không khí chỉ luân chuyển một chiều từ bên ngoài vào phòng bệnh -> trong phòng bệnh -> qua màng lọc và thoát ra ngoài, những bước này nhân viên y tế buộc phải nắm rõ.

6. Các tiêu chí thiết kế để phòng áp lực âm đạt chuẩn

Trong quá trình thiết kế phòng sạch, hạng mục thiết kế phòng áp lực âm là một hạng mục quan trọng của bệnh viện. Dưới đây là những tiêu chí VCR tổng hợp để có một phòng cách ly đạt tiêu chuẩn.

  • Phải thiết kế tối thiểu có 3 buồng: buồng bệnh, buồng đệm và nhà vệ sinh. Ngoài ra còn có buồng thay đồ sạch và thay đồ bẩn riêng biệt.

thiết kế phòng áp lực âm

Trong đó, Buồng đệm có phương tiện vệ sinh tay, thùng kín chứa đồ bẩn của nhân viên y tế. Nhà vệ sinh riêng nằm trong khu vực áp lực âm. Buồng cách ly có 2 cửa (cửa buồng đệm và cửa buồng bệnh) tự động đóng mở bằng cảm biến. Khe hở giữa cửa và sàn: 8m - 12m

  • Cần có các thiết bị phòng sạch như : FFU bộ quạt lọc, tủ đưa dụng cụ - Pass box, Lọc HEPA Filter…
  • Lượng gió cung cấp và tốc độ gió thải cho phòng phải được kiểm soát và quản lý chặt chẽ.
  • Miệng khí cấp (trong buồng cách ly) từ trên trần, phía trên vị trí chân giường bệnh và cạnh đáy miệng khí thải cách sàn 150mm, ở vị trí đầu giường bệnh.
  • Dán nhãn đường ống khí thải buồng cách ly và đường khí cấp vào và thải ra.
  • Sử dụng sơn kháng khuẩn và xây dựng tường phẳng.
  • Tiếng ồn trong buồng cách ly: <45dB (QCVN 26:2010/BTNMT).
  • Đồng hồ đo áp lực, đo nhiệt độ, độ ẩm
  • Xây dựng hệ thống tiệt khuẩn bằng tia UV kết hợp với HEPA Carbon.
  • Thiết kế hệ thống HVAC theo tiêu chuẩn phòng sạch. Tối thiểu số lần trao đổi gió là 12 lần/giờ (ACH)
  • Chênh lệch áp suất giữa các phòng từ -10 đến -15Pa bảo đảm luôn được duy trì.
  • Có hệ thống quản lý để kiểm soát và cảnh báo hoạt động liên tục trong 24 giờ (có đèn cảnh báo).
  • Chuông gọi, camera quan sát, điện thoại liên lạc với nhân viên y tế.
  • Quạt hút khí thải (đã được xử lý) đặt ngoài buồng cách ly cách xa ít nhất 8m miệng khí thải, đặt trên mái nhà, cách xa miệng khí hút vào. Khí thải ra môi trường phải được đảm bảo đã lọc sạch.

Trên đây là những kiến thức về phòng áp lực âm, có thể thấy phòng này vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc khám, điều trị bệnh tại các bệnh viện và một số ngành khác.

Thiết bị phòng sạch VCR chuyên cung cấp các sản phẩm hỗ trợ cho việc xây dựng phòng cách ly áp suất âm như Pass box, lọc FFU, đồng hồ chênh áp,… được nhập khẩu chính hãng có đầy đủ giấy tờ. Quý Khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm vui lòng liên hệ VCR để được tư vấn nhiệt tình, sản phẩm uy tín - chất lượng kèm giá thành tốt nhất.

Phương.