Trong bài viết này, Thiết bị phòng sạch VCR sẽ đề cập tới kiến thức về các chất cấm trong thực phẩm và các thông tin xoay quanh chủ đề này.

Điều kiện chung về an toàn vệ sinh thực phẩm

Điều 10 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm như sau:

  • Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
  • Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây:
    • Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm
    • Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm
    • Quy định về bảo quản thực phẩm

Chất cấm trong thực phẩm

Thực phẩm

Thực phẩm hay thức ăn là từ chung chỉ các chất mà con người tiêu thụ trực tiếp qua việc ăn uống, đó có thể là carbohydrate (tinh bột, đường, chất xơ), chất béo (lipit), đạm (protein) và nước. Thực phẩm có thể được tạo thành từ thực vật và động vật.

Đây là nguồn năng lượng quan trọng để con người duy trì sự sống, hấp thụ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Thực phẩm từ động vật và thực vật
Carbohydrate

Chất cấm trong thực phẩm là gì?

Trong quá trình chế biến, chúng ta thường sử dụng thêm các chất để tăng hương vị của món ăn, kéo dài thời gian bảo quản… Tuy nhiên có một số chất phụ gia, hóa chất được liệt kê trong danh mục các chất cấm dùng do nhà nước ban hành.

Hiện nay chưa có một định nghĩa cụ thể nào về chất cấm trong thực phẩm. Ở đây ta có thể hiểu đó là các chất hóa học, kháng sinh… có thể có tác động tới sức khỏe con người theo hướng tiêu cực, và đã bị cấm sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm.

Xem thêm: Kiểm nghiệm thực phẩm

Nguyên tắc xây dựng danh mục chất cấm

Theo Điều 2 Thông tư 10/2021/TT-BYT, danh mục chất cấm phải được xây dựng trên cơ sở:

  • Bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và có cơ sở khoa học.
  • Phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
  • Kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục để đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe và yêu cầu quản lý nhà nước.
  • Chất đưa vào Danh mục là chất có khả năng gây hại đến sức khỏe hoặc tính mạng người sử dụng hoặc các chất không thuộc loại dùng trong thực phẩm.
Xây dựng danh mục chất cấm
Sử dụng các chất cấm trong thực phẩm có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người

Danh mục các chất cấm trong thực phẩm

Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 01/09/2021) quy định chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm các chất có trong các Danh mục sau:

Các loại chất

Ví dụ

Cơ sở pháp lý

Thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất

Acetic anhydride, Acetone...

Phụ lục V Nghị định số 54/2017/NĐ-CP

Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội

Alphacetylmethadol, Acetorphine...

Danh mục I Nghị định số 73/2018/NĐ-CP

Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền

Acetylmethadol, Benzenthidine...

Danh mục II Nghị định số 73/2018/NĐ-CP

Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền

Allobarbital, Buprenorphine...

Danh mục III Nghị định số 73/2018/NĐ-CP

Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy

Acetic anhydride, Lysergic acid...

Danh mục IVA Nghị định số 73/2018/NĐ-CP

Dược chất gây nghiện

Cây bã thuốc, Dừa cạn, Đại kích...

Phụ lục I Nghị định số 73/2018/NĐ-CP và Thông tư số 42/2017/TT-BYT

Thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc

Abirateron, Acid valproic...

Thông tư số 06/2017/TT-BYT

Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật và động vật

Cà độc dược, Cam thảo dây, Bọ hung, Ngô công...

Phụ lục I và II Thông tư số 42/2017/TT-BYT

Dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật (trừ các dược liệu có dấu (*) đã được chế biến theo đúng phương pháp chế biến)

Bàng sa, Duyên đơn, Duyên phấn...

Phụ lục III Thông tư số 42/2017/TT-BYT

Các chất khác

Colchicine...

Thông tư 10/2021/TT-BYT

Các chất phụ gia

Chất phụ gia là gì?

Các phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản (hóa chất bảo quản) hay cải thiện hương vị và bề ngoài của chúng.

Để quản lý các phụ gia này và thông tin về chúng cho người tiêu dùng thì mỗi loại phụ gia đều được gắn với một số duy nhất. Ban đầu các số này là các "số E" được sử dụng ở châu Âu cho tất cả các phụ gia đã được chấp nhận. Hệ thống đánh số này hiện đã được Ủy ban mã thực phẩm (Codex Alimentarius Committee) chấp nhận và mở rộng để xác định trên bình diện quốc tế tất cả các phụ gia thực phẩm mà không liên quan đến việc chúng có được chấp nhận sử dụng hay không.

Xem thêm: An toàn hóa chất là gì?

Chất phụ gia
Các chất phụ gia trong thực phẩm

Các chất phụ gia bị cấm trong thực phẩm

  • Formol, hàn the, chất tạo ngọt, màu thực phẩm

Hàn the là chất được sử dụng để tăng độ dai cho các món như giò, chả. Nhưng nếu tiêu thụ lượng quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc.

Chất tạo ngọt và phẩm màu cũng không còn xa lạ gì đối với người tiêu dùng nữa, vì chúng được sử dụng thường xuyên cho các loại bánh kẹo, nước ngọt…

Có hại cho sức khỏe nhưng lại cho cảm giác ngon miệng nên người tiêu dùng vẫn “nhắm mắt làm ngơ”. Tuy nhiên những chất này sẽ không ảnh hưởng quá nguy hiểm nếu biết sử dụng có giới hạn, mọi người nên cân nhắc

  • Clenbuterol, salbutamol, dexamethason

Clenbuterol và salbutamo là hai trong số các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Chúng được dùng để làm cho động vật tăng trọng nhanh, đồng thời tạo nạc và giảm tỉ lệ mỡ. Hai chất này nếu sử dụng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.

Chất cấm trong thực phẩm
Clenbuterol và salbutamo là chất làm tăng trọng cho động vật

Dexamethasone là một loại thuốc có tính chống viêm được sử dụng cho người, tuy nhiên rất ít khi được kê đơn từ bác sĩ vì mang lại nhiều tác dụng phụ như loét dạ dày, loãng xương… nếu sử dụng trong thời gian dài. Trong chăn nuôi, Dexamethasone là loại thuốc làm tích nước trong cơ thể, để trọng lượng giả của động vật tăng nhanh chóng, không mang lại giá trị dinh dưỡng và người tiêu dùng sẽ gặp tình trạng bị mua đắt so với chất lượng.

  • Chloramphenicol, nitrofuran, fluoroquinolone, malachite green

Đây là các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Các chất phụ gia có thể sử dụng

Các hóa chất có công dụng bảo quản và không ảnh hưởng tới chất lượng của thực phẩm là các chất được phép sử dụng, ví dụ như saccharin, aspartame, chất bảo quản chống ẩm mốc. Tuy nhiên chúng phải được sử đụng đúng liều lượng được cho phép, nếu quá hàm lượng thì vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Các chất phụ gia có thể sử dụng

Xử phạt hành vi kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm

Vi phạm hành chính

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm tương ứng được quy định tại các điều khoản. Mức phạt tiền có thể lên tới 500 - 700 triệu đồng (khoản 5 Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như:

  • Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm;
  • Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.

Xử phạt hành vi xử dụng chất cấm trong thực phẩm

Vi phạm hình sự

Hành vi sử dụng chất cấm nếu có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015 thì cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị khởi tố hình sự:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
  2. Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

..."

PN

Từ khóa: