Trước khi ISO 45001 ra đời, tiêu chuẩn phổ biến nhất về sức khỏe và an toàn lao động trong doanh nghiệp là OHSAS 18001. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, ISO 45001 đã dần thay thế OHSAS 18001 và trở thành tiêu chuẩn ưu tiên trong lĩnh vực này.

Vậy ISO 45001 và OHSAS 18001 có điểm gì giống và khác nhau? Bài viết này sẽ mang đến cho bạn một số thông tin so sánh giữa ISO 45001 và OHSAS 18001, giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng và chi tiết nhất về 2 tiêu chuẩn này, cùng theo dõi nhé.

ISO 45001 là một tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn lao động được phát triển bởi Tổ chức Tiêu chuẩn Hóa Quốc tế (ISO) với mục tiêu cải thiện mức độ an toàn tại nơi làm việc và tăng cường năng suất của người lao động. Tiêu chuẩn này đặt nặng vào cam kết từ phía nhà quản lý cùng sự hợp tác của người lao động, kết hợp với việc kiểm soát rủi ro để ngăn ngừa thương tích, bệnh tật và các tình huống tử vong có thể xảy ra liên quan đến công việc.

Trong khi đó, OHSAS 18001 là tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn lao động được phát triển bởi Viện tiêu chuẩn Anh (BSI). Tiêu chuẩn này cung cấp một khuôn khổ các yêu cầu mà doanh nghiệp cần đáp ứng để quản lý hiệu quả sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Khuôn khổ này bao gồm tất cả các khía cạnh từ pháp luật, kiểm soát rủi ro đến quản lý chung.

Được phát triển với 2 cách tiếp cận khác nhau và hướng đến cùng 1 mục đích, ISO 45001 và OHSAS 18001 cũng có nhiều điểm giống và khác nhau như sau:

Dù được phát triển theo hai cách tiếp cận khác nhau, ISO 45001 và OHSAS 18001 đều hướng đến cùng một mục đích là nâng cao sự an toàn và bảo vệ sức khỏe của người lao động trong môi trường làm việc. Cả hai tiêu chuẩn cũng có những điểm giống nhau và khác nhau trong việc đề xuất các phương pháp quản lý và tiếp cận xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe và an toàn lao động, cụ thể như sau:

1. Điểm giống nhau giữa ISO 45001 và OHSAS 18001

  • Cả 2 tiêu chuẩn này nhằm mục đích xây dựng hệ thống quản lý phòng ngừa thương tích, bệnh tật và đảm bảo an toàn cho người lao động.
  • Cả hai tiêu chuẩn đều dựa trên chu trình PDCA để xây dựng nguyên tắc và cơ sở để triển khai chúng.
  • ISO 45001 và OHSAS 18001 chia sẻ một số yêu cầu chung, bao gồm chính sách và mục tiêu cải tiến, xác định yêu cầu pháp lý và các yêu cầu khác, yêu cầu năng lực và nhận thức của nhân viên, cung cấp các nguồn lực hỗ trợ cho hệ thống và yêu cầu theo dõi, đo lường, phân tích hoạt động và cải tiến trong lĩnh vực sức khỏe, an toàn lao động.

2. Điểm khác nhau giữa ISO 45001 và OHSAS 18001

Điểm khác nhau giữa ISO 45001 với OHSAS 18001
Điểm khác nhau giữa ISO 45001 với OHSAS 18001

Nội dung so sánh

ISO 45001

OHSAS 18001

Cơ quan ban hành

Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO)

Viện tiêu chuẩn Anh (BSI)

Năm ra đời

2018

1999

Cấu trúc

ISO 45001 được xây dựng theo cấu trúc bậc cao (High-Level Structure - HLS), giống như các tiêu chuẩn ISO khác như ISO 9001, ISO 14001. Điều này giúp việc tích hợp các tiêu chuẩn trở nên dễ dàng hơn.

OHSAS không có cấu trúc bậc cao, do đó không thể tích hợp một cách thuận tiện với các tiêu chuẩn khác được

Bối cảnh hoạt động

ISO 45001 tại điểm 4.1 đề cập đến vấn đề bối cảnh hoạt động của tiêu chuẩn này, bằng cách kiểm soát cả các yếu tố bên trong và bên ngoài, nhằm tăng cường nhận thức về toàn bộ bối cảnh của tổ chức.

OHSAS 18001 không đề cập tới bối cảnh hoạt động.

Quản lý rủi ro và cơ hội

ISO 45001 yêu cầu các doanh nghiệp xác định, xem xét và khi cần thiết, hành động để giải quyết bất kỳ rủi ro hoặc cơ hội nào có thể ảnh hưởng đến hệ thống quản lý, bao gồm cải thiện sức khỏe và an toàn lao động.

OHSAS chỉ nhắc đến việc nhận diện rủi ro và hành động nhưng chưa có phần hoạch định cũng như tận dụng cơ hội.

Cam kết lãnh đạo và quản lý

ISO 45001, tại điểm 5.1, nhấn mạnh sự tích cực tham gia và chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của hệ thống quản lý từ phía lãnh đạo cao nhất.

Chưa có điều khoản nào đề cập tới trách nhiệm và cam kết của người lãnh đạo và quản lý.

Sự tham gia của người lao động

ISO 45001 tập trung vào nhu cầu và mong đợi của người lao động, cụ thể đề cập đến các vấn đề cần có sự tham gia của họ.

OHSAS cũng nhắc đến sự tham gia của người lao động, nhưng chưa nêu cụ thể các vấn đề, chi tiết mà họ cần tham gia.

Phạm vi áp dụng

ISO 45001 hiện được công nhận trên 165 quốc gia thành viên của Ủy ban ISO.

Chỉ được áp dụng ở Anh và một số nước

3. Tại sao ISO 45001 lại được sử dụng thay thế cho OHSAS 18001 ?

Từ khi ISO 45001 ra đời, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia trong hệ thống ISO, OHSAS 18001 đã dần có kế hoạch bị thay thế. Dưới đây là một số nguyên nhân tham khảo vì sao OHSAS 18001 không tiếp tục được sử dụng và ISO 45001 được lựa chọn để thay thế:

  • Tập trung vào tương tác và ảnh hưởng: ISO 45001 tập trung vào sự tương tác giữa môi trường làm việc và tổ chức, từ đó xác định những yếu tố ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Điều này giúp tiếp cận mới mang đến hiệu quả tối ưu hơn, giảm thiểu hoặc loại bỏ khả năng xảy ra rủi ro với bất kỳ nguy cơ nào.
  • Chứng nhận dựa trên quy trình: ISO 45001 là chứng nhận dựa trên quy trình, trong khi OHSAS 18001 là chứng nhận dựa trên thủ tục. Điều này giúp ISO 45001 tập trung vào lý do gây ra nguy cơ hơn là giải pháp, giúp giải quyết tận gốc các mối nguy gây mất an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Tại sao phải chuyển đổi từ OHSAS 18001 sang ISO 45001
Tại sao phải thay thế từ OHSAS 18001 sang ISO 45001 ?
  • Cấu trúc bậc cao và cải tiến liên tục: ISO 45001 có cấu trúc bậc cao, cho phép nó được cải tiến liên tục để phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi đó, OHSAS 18001 chỉ là một tiêu chuẩn tĩnh.
  • Tận dụng cơ hội: ISO 45001 không chỉ tập trung vào quản lý rủi ro mà còn biết tận dụng cơ hội. Điều này giúp đảm bảo hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro.
  • Tích hợp và quan tâm đến các bên liên quan: ISO 45001 toàn diện hơn OHSAS 18001 nhờ quan tâm đến tất cả các khía cạnh của các bên liên quan, tạo ra một cái nhìn toàn diện, tổng quan hơn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

4. Doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi từ OHSAS 18001 sang ISO 45001?

Khi chuyển đổi từ OHSAS 18001 sang ISO 45001, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện một loạt bước để tạo tiền đề cho việc thiết lập hệ thống mới hiệu quả hơn. Dưới đây là một số công việc cần thực hiện để chuyển đổi từ OHSAS sang ISO 45001 có thể tham khảo:

  • Tiến hành phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Dựa trên phân tích này, doanh nghiệp sẽ xác định các rủi ro liên quan đến an toàn sức khỏe nghề nghiệp và lên kế hoạch để kiểm soát các rủi ro này thông qua hệ thống quản lý của mình.
  • Xây dựng phạm vi của hệ thống quản lý.
  • Sử dụng thông tin từ phân tích để thiết lập các quá trình đánh giá rủi ro và định lượng các chỉ số hoạt động chính (KPIs) cho các quy trình.
  • Một khi đã nắm vững cách hoạt động của ISO 45001, doanh nghiệp có thể tái sử dụng phần lớn những gì đã có từ OHSAS 18001 sang hệ thống quản lý mới. Vì vậy, dù phương pháp tiếp cận của hai tiêu chuẩn này có sự khác biệt, việc chuyển đổi giữa chúng vẫn có thể được thực hiện một cách dễ dàng.
Doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi từ OHSAS 18001 sang ISO 45001
Doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi từ OHSAS 18001 sang ISO 45001 ?

Và đó là những thông tin so sánh giữa ISO 45001 và OHSAS 18001VCR muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và chi tiết hơn về hai tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phổ biến nhất hiện nay. Từ đó, bạn có thể đưa ra những hành động chuyển đổi kịp thời từ OHSAS 18001 sang ISO 45001, tối ưu hóa chi phí áp dụng và chứng nhận. Chúc bạn thành công.

Phuong.

Từ khóa: