Các khái niệm cơ bản trong kiểm soát chất lượng xét nghiệm
Trong thời đại 4.0, việc thăm khám, điều trị của bác sĩ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả xét nghiệm. Và đó là lý do kiểm soát chất lượng xét nghiệm được đặt lên hàng đầu với mục đích đảm bảo kết quả đúng. Cùng VCR tìm hiểu chi tiết để có cái nhìn rõ nét nhất tại đây.
Kết quả xét nghiệm sai lệch gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân, gây mất uy tín của bác sĩ,... Vậy nên, cần phải xây dựng hệ thống, công cụ kiểm soát chất lượng xét nghiệm để ngăn ngừa tình trạng trên. Trong đó, có rất nhiều các khái niệm được ứng dụng và để tìm hiểu chi tiết thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của VCR.
Chất lượng xét nghiệm là gì?
Chất lượng xét nghiệm là hành động cung cấp toàn bộ các tính năng và đặc tính phù hợp với nhu cầu của khách hàng đặt ra. Yêu cầu kết quả xét nghiệm phải chính xác tại đúng thời điểm, đúng bệnh phẩm từ đúng bệnh nhân. Kèm theo giải thích kết quả đúng dựa trên số liệu tham chiếu đúng với mức giá hợp lý.
Xem thêm: Kiểm soát chất lượng trong phòng thí nghiệm
Một số khái niệm cơ bản trong kiểm soát chất lượng xét nghiệm
Dưới đây là những khái niệm cơ bản được sử dụng phổ biến trong kiểm soát chất lượng xét nghiệm.
QMS
QMS là từ viết tắt của Quality Management Systems, dịch ra tiếng việt là hệ thống quản lý chất lượng. Khái niệm QMS mang tính bao quát nhất vì đây là hệ thống quản lý định hướng, kiểm soát phòng xét nghiệm chất lượng. Thông qua đó, thực hiện các hoạt động quản lý chung trong quá trình trước, trong và sau xét nghiệm, cung cấp, đánh giá và cải tiến liên tục.
Hệ thống quản lý chất chất lượng sẽ bao hàm tất cả các nội dung tổ chức, nhân sự, trang thiết bị, kiểm kê và mua sắm, kiểm soát quá trình QA/QC, thông tin, tài liệu và hồ sơ, rủi ro, đánh giá, cơ sở hạ tầng, dịch vụ khách hàng và cải thiện quá trình. Qua đó có thể thấy được QMS có chức năng kiểm soát chất lượng toàn bộ những vấn đề liên quan tại phòng xét nghiệm.
QA
QA có nghĩa là đảm bảo chất lượng, được viết tắt từ Quality Assurance. Khái niệm này nằm trong QMS, được biết đến là một chương trình tổng thể có chức năng đảm bảo kết quả xét nghiệm cuối cùng chính xác khi báo cáo. QA sẽ kiểm soát tất cả các vấn đề liên quan đến giai đoạn trước, trong và sau xét nghiệm.
QC
QC hay còn được gọi là kiểm tra chất lượng hoặc kiểm soát chất lượng. Đây là một khái niệm nằm trong QMS, có tên gọi tiếng anh là Quality Control. Đây là một khâu trong giai đoạn xét nghiệm, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác. QC chỉ tác động đến kết quả của từng xét nghiệm riêng lẻ vì mục đích của nó là phát hiện các sai sót chính trong quá trình tiến hành xét nghiệm, từ đó đưa ra hướng khắc phục và đảm bảo kết quả chính xác nhất đến tay người bệnh. Kiểm soát chất lượng được thực hiện qua 2 quy trình là ngoại kiểm tra và nội kiểm tra.
Xem thêm: 7 QC Tools
IQC
IQC có nghĩa là nội kiểm tra chất lượng hoặc gọi tắt là nội kiểm, dịch ra từ tiếng Anh Internal Quality Control. Đây là quy trình nằm trong QC, được thực hiện bởi chính nhân viên thực hiện với mục đích giám sát liên tục trong toàn bộ quy trình xét nghiệm. Nội kiểm được thực hiện phân tích hàng ngày trên mẫu chứng biết trước giá trị và giúp phát hiện lỗi trong khi xét nghiệm thường quy.
Để tiến hành thực hiện nội kiểm, người ta thường sử dụng mẫu kiểm tra của bên thứ 3 cung cấp. Tùy từng loại xét nghiệm mà lựa chọn mẫu định lượng, mẫu bán định lượng hay mẫu định tính.
EQA
EQA có tên tiếng anh External Quality Assessment, được gọi là ngoại kiểm tra hay gọi tắt là ngoại kiểm. Đây là hệ thống được cơ quan độc lập bên ngoài triển khai với mục đích đánh giá chất lượng của các phòng xét nghiệm trong cùng khu vực.
Cơ quan này sẽ tiến hành gửi các mẫu đồng nhất đến các phòng xét nghiệm tham gia. Sau đó các phòng xét nghiệm sẽ phân tích. Kết quả gửi lại sẽ được tiến hành so sánh và đánh giá chính xác chất lượng của từng phòng xét nghiệm.
Nhờ các báo cáo đánh giá từ cơ quan độc này, phòng xét nghiệm có thể cải thiện chất lượng xét nghiệm của mình. Tuy nhiên cần phải lưu ý công tác ngoại kiểm không thể thay thế cho nội kiểm.
Quy trình kiểm soát chất lượng xét nghiệm đúng quy định
Quy trình kiểm soát chất lượng bao gồm 3 giai đoạn cụ thể và được tiến hành như sau.
Giai đoạn trước xét nghiệm (Pre testing)
Giai đoạn trước xét nghiệm sẽ bao gồm những công việc chỉ định xét nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu và xử lý mẫu.
Bước 1: Chỉ định xét nghiệm
Dựa vào chẩn đoán tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định xét nghiệm để đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Việc chỉ định tưởng chừng đơn giản nhưng cũng cần được quản lý cẩn thận tránh sai lệch và đúng thời điểm. Nếu bệnh nhân đang truyền dịch thì không được làm xét nghiệm công thức máu hoặc ăn nó thì không làm xét nghiệm đường máu, mỡ máu.
Bước 2: Lấy mẫu
Tùy vào từng chỉ định xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm có thể là dịch tiết cơ thể, nước tiểu, máu, huyết thanh,... Quy định về cách lấy của mỗi loại là khác nhau. Nếu không thực hiện đúng quy trình thì sẽ không đảm bảo kết quả chính xác. Ví dụ khi lấy máu làm mẫu xét nghiệm, người thực hiện phải lấy đủ lượng ml, dùng đúng loại chất chống đông để tránh tình trạng vỡ hồng cầu,...
Bước 3: Vận chuyển mẫu
Tiến hành đưa mẫu đến phòng xét nghiệm theo đúng quy định, đảm bảo các thành phần và các loại chất không bị biến đổi so với ban đầu. Để giữ được tính nguyên vẹn thì cần ưu tiên chuyển mẫu thử đến phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất. Có thể dùng thêm chất bảo quản để tránh tác động từ môi trường bên ngoài.
Bước 4: Nhận mẫu
Cử cán bộ chuyên trách để tiến hành nhận mẫu bệnh phẩm, đánh giá số lượng và chất lượng có đảm bảo yêu cầu hay không. Đồng thời kiểm tra cách bảo quản và các thông tin kèm theo. Chỉ cần một yếu tố không đạt thì đều có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm sai lệch. Lúc này người nhận mẫu có thể từ chối để đảm bảo quy trình kiểm soát chất lượng xét nghiệm chính xác nhất.
Bước 5: Xử lý mẫu
Đây là khâu cuối cùng trong giai đoạn kiểm soát chất lượng trước xét nghiệm. Nhân viên phòng xét nghiệm được chỉ định có trách nhiệm xử lý mẫu sơ bộ thông qua các phương pháp rã đông, ly tâm,... Tại bước này vẫn phải đáp ứng yêu cầu bảo quản mẫu để tránh hư hại hoặc mất mát.
Giai đoạn xét nghiệm (Testing)
Đơn vị xét nghiệm thiết lập quy trình xác định giá trị sử dụng và tuân thủ theo đúng những gì đã đặt ra. Các cán bộ thực hiện việc xét nghiệm phải được đào tạo đúng chuyên ngành, hiểu kỹ, nắm chắc và thực hiện thành thạo từng bước. Yêu cầu tuân thủ tuyệt đối quy trình xét nghiệm, không được tự ý thay đổi hoặc thêm bớt các bước, lượng hóa chất, bệnh phẩm.
Giai đoạn sau xét nghiệm (Post testing)
Quá trình kiểm soát chất lượng xét nghiệm thường được thực hiện ở giai đoạn này và bằng cách sử dụng mẫu kiểm tra chất lượng. QC phải được thực hiện hàng ngày và không được vi phạm những quy tắc xét nghiệm. Nếu kết quả QC không phù hợp thì không được trả kết quả cho bệnh nhân. Có thể sử dụng thêm các biện pháp khác như so sánh liên phòng, so sánh tham chiếu,...
Các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình xét nghiệm
Dưới đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của kết quả xét nghiệm cần phải đặc biệt lưu ý.
Pre testing
Ở giai đoạn này, môi trường phòng xét nghiệm, kiến thức và kỹ năng của nhân viên xét nghiệm cũng như tình trạng mẫu bệnh phẩm đều có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm. Vậy nên, cần phải tiến hành chuẩn bị môi trường phòng xét nghiệm theo đúng tiêu chuẩn để tránh ảnh hưởng đến quy trình thực hiện sau này. Hơn nữa, cần đảm bảo người thực hiện cần có kiến thức, kỹ năng đúng chuyên môn cũng như nắm bắt quy trình được xây dựng theo đúng quy định của phòng xét nghiệm đặt ra. Mẫu bệnh phẩm cần được tiến hành lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển đúng quy cách. Chỉ cần một yếu tố sai lệch có thể tác động đến kết quả của toàn bộ quá trình.
Testing
Khi tiến hành xét nghiệm, cần để ý đến chất chuẩn, mẫu nội kiểm, hóa chất, sinh phẩm và các trang thiết bị. Trong đó, chất chuẩn là một phần không thể thiếu giúp đánh giá các nguyên liệu, thành phẩm và bán thành phẩm đã xác định giúp đảm bảo kết quả phân tích đạt độ chính xác. Vậy nên, nếu sử dụng chất chuẩn kém chất lượng sẽ dẫn đến nguy cơ sai lệch kết quả xét nghiệm.
Post testing
Sau xét nghiệm, cần lưu ý đến việc đọc kết quả xét nghiệm, sao chép kết quả xét nghiệm cũng như báo cáo, lưu giữ. Chỉ cần một thao tác tiến hành không đúng theo quy định có thể ảnh hưởng đến kết quả trả về cho bệnh nhân.
Qua bài viết trên VCR đã làm rõ những khái niệm thường gặp trong kiểm soát chất lượng và giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng xét nghiệm.